Banner 468

.
Facebook
RSS

Phạm Tội Nào Thì Không Được Rước Lễ?

-
Kim Mai

Hỏi: Thưa cha, phạm những tội nào thì không được rước lễ ? Tội trọng là những tội nào, xin cha cho biết cụ thể.
Eucharist-stainedclass.jpg  
Giải đáp

Theo Giáo Luật điều 916 thì những ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước thì không đươc rước lễ trừ khi có lý do quan trọng như nguy tử hay có sự phiền phức nghiêm trọng nếu không chịu lễ và không có linh mục giải tội hay không thể đến được với các ngài thì phải thống hối trọn vẹn và dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể nghĩa là trong khoảng một tuần.

Còn tội trọng là những tội nào ? Chắc hẳn bạn muốn có một danh sách các tội trọng để có thể căn cứ vào đó biết mình có thể được rước lễ hay không. Trước khi nói đến việc lập một danh sách như vậy bạn cần phải hiểu thế nào là tội trọng.

Một tội được coi là trọng khi hội đủ ba điều kiện : "Phạm một lỗi nặng, với đầy đủ ý thức và cố tình" (Giáo Lý Công Giáo số1857).

Như vậy để phạm một tội trọng có ba yếu tố:

a) Một lỗi nặng nghĩa là một điều được xác định  trong Mười Điều Răn, như Đức Giê-su trả lời người thanh niên giàu có : "Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ" (Mc 10,19). Tội có thể nặng hoặc nhẹ : tội giết người nặng hơn trộm cắp. Phải xét đến cả phẩm giá của những người bị xúc phạm : tội hành hung cha mẹ nặng hơn tội hành hung một người lạ.( Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số1858)

Trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ở phần Mười Điều Răn sẽ nói rõ về những tội nghịch với các Điều răn ấy như :

Điều Răn I : Mê tín, thờ ngẫu tượng, bói toán và ma thuật, thử thách Thiên Chúa, phạm thánh, mại thánh, vô thần…

Điều Răn II : Lạm dụng Danh Chúa, lộng ngôn xúc phạm Danh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, dùng Danh Chúa vào việc ma thuật, thề gian kêu cầu Chúa chứng giám cho điều nói dối, bội thề…

Điều Răn III : Bỏ tham dự Thánh Lễ Chủ Nhật và lễ buộc không có lý do quan trọng, lao động và sinh hoạt ngăn trở việc thờ phựơng Chúa…

Điều Răn IV : lỗi bổn phận thảo hiếu với cha mẹ, lỗi trách nhiêm trong đời sống gia đình ( chồng ,vợ, anh, em), Lỗi bổn phận trong xã hội ( người lãnh đạo, nhà cầm quyền, công dân, giáo viên …)…

Điều Răn V : cố ý giết người, đả thương, bỏ mặc người lâm nguy, phá thai, giết chết tránh đau, tự sát, chè chén say sưa, ăn uống quá độ, sử dụng ma tuý, bắt cóc, giữ làm con tin, gây chiến tranh, hận thù, gây gương xấu lôi kéo người khác cố ý phạm lỗi nặng…

Điều Răn VI : Dâm ô, thủ dâm, tà dâm, sản xuất sách báo phim ảnh khiêu dâm, mại dâm, hiếp dâm, hành vi đồng tính, ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, sống không hôn phối, triệt sản, ngừa thai, thụ tinh nhân tạo…

Điều Răn VII : Lỗi công bằng, chiếm đoạt hay sử dụng tài sản kẻ khác cách bất công, trộm cắp, bội tín, cờ bạc gian lận, không đền bù thiệt hại, dùng tiền của, vật chất nô lệ hoá con người , phá hoại môi sinh, gây thiệt hại công ích…

Điều Răn VIII : chứng dối, thề gian, làm mất thanh danh và danh dự người khác, phán đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống, tâng bốc đồng loã điều xấu đồi bại, nói dối làm thiệt hại nặng nề, lừa dối...

Điều Răn IX : chiều theo các dục vọng của xác thịt, sống phóng túng…

Điều Răn X : thèm muốn của cải người khác, ước muốn điều bất công hại đến tài sản người khác, ganh tị…

Đây chỉ là tóm tắt những lỗi nghịch với 10 điều răn. Các lỗi ấy nặng nhẹ còn tuỳ ở mức độ vi phạm, gây thiệt hại nặng nề, lỗi đức công bình và đức ái nữa vì tội trọng phá hủy đức mến trong lòng con người do vi phạm nghiêm trọng luật Thiên Chúa, muốn quay lưng với Thiên Chúa. Nếu muốn hiểu rõ hơn xin tham khảo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từ số 2052 đến 2257.

b) Ngoài ra , tội trọng đòi phải có nhận thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận. Điều này giả thiết người phạm tội phải biết hành vi đó là tội, trái với luật Thiên Chúa.

c) Tội trọng bao hàm một sự ưng thuận có suy nghĩ cặn kẽ để trở thành một lựa chọn cá nhân. (Giáo Lý Công Giáo số 1859 )

Nếu thiếu hiểu biết ngoài ý muốn, người phạm lỗi nặng có thể được giảm hoặc miễn trách nhiệm. Nhưng không ai được coi là không biết đến những nguyên tắc của luân lý đã được ghi khắc trong lương tâm mỗi người. Các thúc đẩy của bản năng, các đam mê, các áp lực bên ngoài, hoặc những rối loạn do bệnh tật, cũng có thể làm cho hành vi phạm lỗi bớt tính cách tự ý và tự do. (Giáo Lý Công Giáo 1860)

Hội đủ những điều kiện nêu trên thì coi như đã phạm tội trọng

Còn phạm tội nhẹ là khi vi phạm luật luân lý trong điều nhẹ, hay lỗi điều nặng nhưng không hoàn toàn hiểu biết hay ưng thuận. Trong trường hợp này bạn vẫn có thể lên rước lễ.

Trong phạm vi trả lời những thắc mắc thì không thể trình bầy cặn kẽ mọi khía cạnh được đồng thời có nhiều hoàn cảnh đa dạng và phức tạp của từng cá nhân nên cần có sự trao đổi với cha giải tội để ngài có thể giúp cách cụ thể được.

• Bản Xét Mình Xưng Tội theo 10 Điều Răn 
• Bản hướng dẫn xét mình và cách thức xưng tội
Share 
Bản Xét Mình Xưng Tội theo 10 Điều Răn12/21/2011 11:45:44 AMBản Xét Mình Theo 10 Điều Răn
21-JesusPray2.jpg
1. Thờ phượng một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự

-          Cầu cơ, lên đồng, coi bói, coi chỉ tay, coi tử vi, coi bói bài, thôi miên, coi tướng số
-          Gia nhập những giáo phái vô thần hay ly giáo, bỏ đạo.
-          Tin dị đoan, Feng Shui
-          Tham dự những nghi thức thờ tà thần
-          Rước lễ trong lúc đang phạm tội.
-          Chịu phép Thêm Sức hay phép Hôn Phối trong lúc đang phạm tội.
-          Cố ý tham dự buổi giải tội chung (để tránh khỏi xưng tội riêng)
-          Kết hôn trong một giáo phái khác, không được sự chấp nhận của Giáo Hội.
-          Lôi cuốn vào việc thờ phượng các thần tượng khác.
-          Cố ý từ bỏ đức tin Công Giáo.
-          Không hy vọng vào ơn Chúa và lòng nhân từ của Ngài.
-          Tự phán quyết (cứ để mình phạm tội với ý nghĩ mình sẽ đi xưng tội sau đó).
-          Thù oán Chúa
-          Buôn thần bán thánh (buôn bán chức vụ trong nhà thờ hay những đồ thợ phượng)
-          Không rước lễ - ít nhất một lần trong năm, trong mùa chay.
-          Xúc phạm đến Mình Thánh Máu Thánh Chúa

2. Chớ kêu Tên Đức Chúa Trời vô cớ

-          Dùng Danh Chúa để thề, hay nguyền rủa người khác.
-          Thật lòng muốn điều dữ đến người khác
-          Vu khống, chửi rủa những người mang chức thánh.
-          Thề hứa với những tà giáo.
-          Nói dối hay cố tình không xưng những tội trọng trong tòa giải tội.
-          Phạm ngôn tới Chúa
-          Thề gian, nói dối trước tòa án.

3. Giữ ngày Chúa Nhật

-          Bỏ lễ ngày Chúa Nhật hay những ngày lễ buộc (không có lý do chính đáng).
-          Làm những công việc không cần thiết trong ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc (trong nhiều tiếng đồng hồ)
-          Cố tình không ăn chay, kiêng thịt những ngày hội thánh buộc.
-          Bắt công nhân phải làm việc trong ngày Chúa Nhật – trong những ngành nghề không cần thiết phải làm.

4. Thảo kính cha mẹ

-          Không chăm sóc cha mẹ già.
-          Trong một gian đoạn của cuộc đời, đã sao lãng bổn phận làm con.
-          Đã không tôn trọng, bất tuân phục cha mẹ, hoặc những vị thay thế cha mẹ.
-           Muốn điều dữ hay sự chết đến với cha mẹ mình.
-          Chửi rủa con cái, hờ hững bổn phận với con cái của mình
-          Không rữa tội cho con cháu mình trong thời gian vài tháng tuổi.
-          Đã hờ hững về việc dạy dỗ con cái của mình về đạo lý và đã không giáo dục chúng đúng với giáo lý công giáo.
-          Đã không làm tròn những lời trăn trối của cha mẹ.

5. Chớ giết người

-          Giết người - Phá thai
-          Ủng hộ, khuyến khích, nâng đỡ và trả tiền cho đi phá thai
-          Biết người đó ủng hộ phá thai, nhưng vẫn bầu cho họ.
-          Cố tình làm cho người khác đau khổ, hoặc bị thương tích.
-          Cố tình đưa dẫn người khác phạm tội trọng.
-          Lái xe bất cẩn và nguy hiểm.
-          Lái xe trong lúc đang say rượu hay đang dùng xìke.
-          Cố tình nuôi lòng hận thù với người khác.
-          Dùng hoặc buôn bán ma túy
-          Cố tình say rượu
-          Hành hạ thể xác mình – làm cho mình bị tàn tật
-          Xâm mình một cách quá đáng trên thân thể
-          Đeo vòng / khuông ở trên thân thể - đầu ngực, hay trên bộ phận sinh dục.
-          Làm mất khả năng sinh đẽ
-          Đồng ý và khuyến khích cho việc chích thuốc cho chết không đau đớn, chích thuốc cho những người già chết sớm.
-          Thích giải trí bằng tư tưởng tử tự
-          Muốn tự tử
-          Cố ý không chôn cất xác hay tro của người chết.
-          Cố ý liên quan tới những phiên tòa bất chính – không đúng sự thật
-          Mù quáng (có thành kiến nặng nề).Thù ghét chủng tộc khác.
-          Cố tình đưa đẩy cám dỗ tới những người yếu đuối.

6. Chớ làm sự dâm dục

-          Phạm tội ngoại tình.
-          Ăn nằm trước khi làm phép cưới.
-          Thủ dâm.
-          Hành động của đồng tình luyến ái..
-          Ngừa thai. (thuốc, áo mưa)
-          Mặc quần áo hoặc có những hành động – khuấy động tình dục nơi người khác (vợ chồng ngoại lệ)
-          Hôn hít hoặc sờ mó làm cho người khác hứng tình (vợ chồng ngoại lệ).
-          Cho người khác hôn hay đụng chạm mình (vợ chồng ngoại lệ)
-          Cố ý cho tinh trùng ra ngoài.
-          Cố tình mặc quần áo để khiêu dâm.
-          Làm tình với thú vật
-          Làm tình bằng miệng (vợ chồng gây cảm hứng trước khi làm tình được ngoại lệ)
-          Làm tình bằng hậu môn, hay có những kiểu cách làm tình không bình thường khác.
-          Làm mại dâm (mua bán tình dục)
-          Hãm hiếp
-          Thụ tinh nhân tạo
-          Nhận làm mẹ - theo thụ tinh nhân tạo.
-          Ủng hộ việc làm người nhân tạo.
-          Cố ý ly dị hay ly thân.
-          Phạm tội loạn luân
-          Lấy nhiều vợ / chồng
-          Ăn ở như vợ chồng trước ngày cưới
-          Làm mất đi sự trong trắng của người khác bằng sự đưa đẩy họ vô những hành vi phóng đãng.
-          Dâm dục trong tâm hồn (có những tư tưởng như “nếu tôi có thể tôi sẽ . . .”
-          Trao đổi vợ chồng
-          Thay đổi giống (nam/nữ)

7. Chớ lấy của người

-          Ăn cắp một số tiền lớn hay đồ vật có giá trị.
-          Cố ý phá hủy tài sản người khác
-          Ăn cắp những vật thánh trong nhà thờ
-          Mua, bán những đồ ăn cắp
-          Cố tình không trả lại hoặc bồi thường lại cho người khác
-          Đam mê bài bạc
-          Gian lận tiền lương của công nhân.
-          Không chu toàn công việc hãng đòi hỏi.
-          Lấy tiền của hảng để tiêu xài riêng
-          Đã lạm dụng đến người nghèo, những người đơn sơ, không kinh nghiệm, không may mắn
-          Cố tình từ chối giúp đỡ người nghèo, những người cần sự giúp đỡ, trong lúc mình có đủ khả năng.
-          Gian lừa thẻ tín dụng (creditors)
-          Hối lộ hoặc lấy đồ / tiền hối lộ
-          Tống tiền người khác, lừa gạt, biển thủ
-          Đổi giá tiền
-          Gian lận thuế - Giả chữ ký, giấy tờ.
-          Xài phung phí một cách quá đáng - Excessive waste or expense
-          Phạm đến bản quyền tác giả (copyright)
-          Sang lậu phần mềm của máy điện tử
-          Tàn nhẫn với thú vật

8. Chớ làm chứng dối

-          Làm chứng gian – với lời thề hay không với lời thề
-          Nói dối những chuyện quan trọng, hay nói dối có sự tính toán trước
-          Nói xấu có tính cách nặng nề, làm giảm giá trị người khác (tỏ lộ những chuyện riêng người khác không có lý do chính đáng), hay vu khống (làm cho người khác bị tổn thương không đúng với sự thật)
-          Vi phạm đến lời tâm sự của người khác – không có lý do chính đáng.
-          Đồng lõa phạm tội với người khác.

9. Chớ muốn vợ chồng người

-          Coi sách báo, phim ảnh, trên mạng internet không trong sạch, khiêu dâm..
-          Đọc những tài liệu về sự khiêu dâm
-          Nuôi những tư tưởng không trong sạch, làm cho mình bị đam mê dâm dục.
-          Cố ý khiêu dâm người khác

10. Chớ tham của người

-          Cố ý tham lam, ham lợi
-          Cố tình ăn cắp hay phá hoại đồ của người khác

nguồn: Khóa Linh Thao - Cha Ed Broom
Share |

|
Bản hướng dẫn xét mình và cách thức xưng tội3/29/2014 6:40:06 PMHãy xưng thú với linh mục một cách cụ thể những tội mà mình đã phạm, nếu được, tốt nhất nên nói rõ số lần phạm tội kể từ lần xưng tội trước.
confession.jpg  
I - CHUẨN BỊ TÂM HỒN

Trước hết, hãy cầu xin Thiên Chúa ban ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần để có thể xét mình một cách tốt đẹp. Trong tâm tình cầu nguyện, hãy xem xét lại tất cả những hành vi của mình dưới ánh sáng của Mười Điều Răn và gương Chúa Kitô. Những câu hỏi dưới đây nhằm gợi ý và trợ giúp thực hiện một việc xét mình cẩn trọng.

Hãy xưng thú với linh mục một cách cụ thể những tội mà mình đã phạm, nếu được, tốt nhất nên nói rõ số lần phạm tội kể từ lần xưng tội trước. Tránh xưng tội một cách chung chung, cũng như tránh kể lể dài dòng, nhất là kể về người khác như để bào chữa cho mình.

Tội là lời nói, việc làm hoặc ước muốn trái với luật Chúa dạy, là xúc phạm đến Chúa, làm hại chính mình và người khác. Có hai thứ tội là tội trọng và tội nhẹ. Tội trọng là cố tình phạm những điều quan trọng trong Luật Thiên Chúa khi đã kịp suy. Tội trọng làm ta mất tình nghĩa với Chúa.
Tội nhẹ là phạm những điều luật nhẹ hoặc một điều quan trọng nhưng chưa kịp suy hay chưa hoàn toàn ưng thuận. Tội nhẹ làm ta bớt lòng mến Chúa và nghiêng chiều về đàng xấu.

Buộc phải xưng những tội trọng, vì những tội nhẹ đã được tha nhờ các việc lành phúc đức, những hy sinh, cầu nguyện, và các việc đạo đức khác. Tuy nhiên, sẽ rất hữu ích khi xưng thú cả các tội nhẹ, vì nó sẽ giúp ta xa tránh tội lỗi và thăng tiến trên con đường thánh thiện.

Hãy nói cho linh mục giải tội biết bậc sống của mình: có gia đình hay độc thân, hay tu sỹ...

II - XÉT MÌNH

Xét mình theo Mười Điều Răn là một trong những phương thế ích lợi nhất trong việc chuẩn bị xưng tội của người Công Giáo qua nhiều thế kỷ. Trong tâm tình cầu nguyện, các hối nhân được khuyến khích dựa trên những Điều răn này để suy xét các hành vi của mình.

Điều Răn I

"Ta là Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" (Xh 20,2-3).

• Tôi có thực sự yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự không? Hoặc tôi có đặt những thứ khác – chẳng hạn như: công việc, tiền bạc, ma túy, truyền hình, danh vọng, lạc thú, hay người nào đó – trên Thiên Chúa không?
• Tôi có dành thời gian cầu nguyện với Chúa mỗi ngày không?
• Tôi có hành động ngược lại với đức tin, không hoàn toàn tin tưởng và Chúa bằng việc tham gia vào những điều huyền bí, ma thuật, cầu cơ, bói toán, đồng cốt, bùa ngải, xem giờ, ngày lành tháng tốt... hoặc qua việc đọc, xem, hay chơi những trò trái ngược với đức tin và luân lý không?
• Tôi có hoàn toàn đón nhận và làm theo thánh ý Thiên Chúa, hay tôi chỉ chọn và tuân giữ những phần "dễ chịu" trong giáo huấn của Người? Tôi có cố gắng trau dồi sự hiểu biết về đức tin của tôi, hay là tôi thờ ơ không chịu tìm hiểu các chân lý mà Chúa đã dạy?
• Tôi có cố ý nghi ngờ hoặc chối bỏ các chân lý mạc khải, mà trở thành rối đạo, bỏ đạo, hoặc ly khai khỏi Hội Thánh không? Tôi có sẵn sàng xác quyết, bảo vệ, và thực hành đức tin của tôi nơi công cộng chứ không phải chỉ ở nơi riêng tư không?
• Tôi có tuyệt vọng hoặc nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa không?

Điều Răn II

"Ngươi không được dùng Danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng" (Xh 20,7).

• Tôi có yêu mến và tôn kính Danh Thánh Thiên Chúa không?
• Tôi có lấy Danh Chúa để làm chứng cho tội ác như thề gian, bội thề không?
• Tôi có báng bổ, nguyền rủa Thiên Chúa, hoặc kêu tên Người một cách bất kính không?
• Tôi có cố gắng hết sức thực hiện những lời đã hứa và những lời đã cam kết với Chúa, đặc biệt là những lời hứa khi chịu phép Rửa Tội và Thêm Sức không?
• Tôi có xúc phạm, báng bổ hay thiếu tôn trọng Đức Mẹ Maria, các thánh, Giáo Hội, những người đã được thánh hiến, nơi thánh và những đồ vật thánh không?

Điều Răn III

"Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh" (Xh 20,8).

• Tôi có bỏ lễ Chúa Nhật hoặc ngày lễ buộc mà không có lý do chính đáng (bị ốm, trông người ốm, không thể tìm ra nhà thờ..) không?
• Tôi có tham dự Thánh Lễ cách tích cực và ý thức, hay chỉ tham dự một cách máy móc cho qua?
• Tôi có chú tâm đầy đủ vào Lời Chúa không, hay dễ dàng để cho mình bị chia trí?
• Khi đi tham dự Thánh lễ tôi có cố ý đi trễ về sớm mà không có lý do chính đáng không?
• Tôi có giữ chay đủ một giờ trước khi chịu lễ không?
• Tôi có rước lễ trong tình trạng có tội trọng không?
• Tôi ý thức Chúa Nhật là ngày của Chúa để thờ phượng Chúa, dành tình yêu thương cho gia đình và cho người nghèo khó hay chỉ là "ngày nghỉ cuối tuần"?

Điều Răn IV

"Ngươi hãy thảo kính cha mẹ" (Xh 20,12).

• Tôi có bỏ bê bổn phận đối với vợ (chồng) con, với cha mẹ, anh chị em ruột không?
• Tôi có vô ơn đối với sự hy sinh mà cha mẹ đã dành cho tôi không?
• Tôi có vô lễ với cha mẹ, đối xử tồi tệ với các ngài, hoặc phản ứng lại cách kiêu ngạo khi các ngài sửa dạy tôi không?
• Tôi có gây ra sự căng thẳng và cãi vã trong gia đình tôi không?
• Tôi có chăm sóc cho những người họ hàng đã cao tuổi và yếu đau không?
• Tôi có để ý giáo dục con cái theo giáo lý Kitô giáo, đôn đốc chúng đi nhà thờ, tham dự Thánh Lễ, đi học giáo lý... không? Tôi có nêu gương sáng cho con cái bằng các nhân đức, hay tôi lại gây ra gương mù gương xấu cho chúng bằng những thiếu sót của tôi?
• Khi kỷ luật con cái, tôi có làm trong tình yêu thương và sự khôn ngoan không?
• Tôi có khuyến khích con cái cầu nguyện để chúng hiểu được tại sao Thiên Chúa đã dựng nên chúng, cũng như để có thể nhận ra xem chúng có ơn gọi làm linh mục hoặc tu sỹ hay không?
• Tôi có kính trọng và vâng lời các vị lãnh đạo Giáo hội và các vị bề trên hợp pháp không?
• Tôi có xúi bẩy ai chống đối Giáo hội và các vị bề trên không?

Điều Răn V

"Ngươi không được giết người" (Xh 20,13).

• Tôi có cố ý giết người hoặc cố tình hại thân thể của ai không?
• Tôi có cố tình tự tử hoặc nuôi ý định tự tử, hay cộng tác vào việc ấy không?
• Tôi có phá thai, hay khuyên bảo hoặc giúp đỡ người khác phá thai không? Tôi có tham gia vào việc phá thai trực tiếp hoặc gián tiếp (qua sự im lặng, hỗ trợ tài chính cho người phá thai hoặc cho các tổ chức ủng hộ phá thai) không?
• Tôi có tham dự vào việc thụ thai nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào tử cung hay thụ thai trong ống nghiệm không? Tôi có tham dự vào việc chuẩn đoán bào thai với ý định phá thai nếu kết quả không được như ý không? Tôi có đặt vòng xoắn hay uống thuốc để giết thai non không? (Chú ý: Những ai cố ý phá thai hay cố ý tham gia trực tiếp vào việc phá thai dù đã biết mình sẽ bị rút phép thông công ra khỏi Hội Thánh bởi tội ác này, thì đều bị vạ tuyệt thông. Trong TGP Hà Nội, thường chỉ các cha xứ mới được Đức Giám Mục ban quyền giải vạ này).
• Tôi có tham gia, hoặc ủng hộ làm "chết êm dịu" những bệnh nhân nan y hay ở trong tình trạng cuối đời (an tử, trợ tử) không?
• Tôi có lạm dụng con cái hoặc người khác bằng bất cứ hình thức nào không?
• Tôi có tự ý cắt bỏ hoặc làm hại tới thân thể mình không? Tôi có triệt sản không?
• Tôi sinh lòng thù hận, có ý định trả thù hoặc không tha thứ cho người khác không?
• Tôi có điều khiển phương tiện giao thông cách cẩu thả khiến mạng sống của tôi và của người khác ở vào tình trạng nguy hiểm không?
• Tôi cố tình làm hại sức khỏe của mình không?
• Tôi có gây gương mù gương xấu qua việc lạm dụng ma túy, sử dụng rượu bia, thuốc lá....quá độ, và đánh chửi nhau không?
• Tôi có hay quá giận dữ hoặc mất bình tĩnh hay đánh đập người khác không?
• Tôi có sản xuất, cộng tác sản xuất hay bán hàng giả, thuốc men giả hay sử dụng chất độc hại vào các thực phẩm hoặc sản phẩm làm hại đến sức khỏe hay mạng sống người khác không?
• Tôi có tôn trọng nhân phẩm của người khác không? Tôi có ức hiếp hay đàn áp người khác không? Tôi có giúp đỡ người khác đang lâm cảnh quẫn bách khi tôi có thể không?

Điều Răn VI và IX

"Người không được ngoại tình" (Xh 20,14).
"Ngươi không được ham muốn vợ người ta" (Xh 20,17).

• Tôi có nhớ rằng thân thể của tôi là đền thờ Chúa Thánh Thần không?
• Tôi có vui thích ấp ủ những tư tưởng và những ước muốn dâm ô không?
• Tôi có chủ ý xem phim, ảnh, sách, báo, trang mạng,... khiêu dâm không?
• Tôi có nói những lời thô tục hoặc ám chỉ ý xấu và phổ biến phim ảnh, sách báo khiêu dâm không?
• Tôi có thực hiện hành vi lỗi đức khiết tịnh với chính mình (thủ dâm) hoặc với những người khác như ngoại tình (quan hệ tình dục với một người đã kết hôn), gian dâm (quan hệ tình dục trước hôn nhân) hoặc quan hệ tình dục đồng giới không?
• Tôi có lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên không?
• Tôi có chung thủy với vợ/chồng trong tư tưởng và trong hành động không?
• Tôi có phạm tội thông qua việc sử dụng các biện pháp ngừa thai trái với chu kỳ tự nhiên, triệt sản hoặc thụ tinh nhân tạo không?
• Tôi có đụng chạm hoặc ôm hôn người khác một cách dâm đãng khi chưa lập gia đình với họ không? Tôi có đối xử với những người khác, trong hành động hay suy nghĩ, như những đồ vật không?
• Tôi có gây dịp tội cho người khác bằng hành động tục tĩu hoặc ăn mặc hở hang không?
• Tôi có kết hôn theo đúng luật của Giáo Hội không?
• Tôi có khuyến khích hay tổ chức cho người có đạo kết hôn không theo luật Giáo Hội không?

Điều Răn VII và X

"Ngươi không được trộm cắp" (Xh 20,15).
"Ngươi không được ham muốn của cải của người ta" (Xh 20,17).

• Tôi có tham lam hay thèm khát của cải của người khác không?
• Tôi có chiếm đoạt tài sản của người khác? Tôi có gắn bó quá đáng với những của cải thế gian không?
• Tôi có trộm cắp, lừa đảo, tiếp tay hay khuyến khích người khác trộm cắp hoặc cầm giữ của ăn trộm không? Tôi có đón nhận đồ trộm cắp không? Tôi có hoàn trả lại hay bồi thường những của đã trộm cắp không?
• Tôi có làm thiệt hại tài sản của người khác mà không nhận trách nhiệm và không đền bù thiệt hại đó không?
• Tôi có quỵt nợ hay gian lận không?
• Tôi có lừa đảo người khác không? Tôi có làm việc xứng với tiền lương người ta trả cho tôi không? Tôi có trả lương công bằng cho những người làm việc cho tôi không? Tôi có giữ đúng lời hứa và hợp đồng (giao kèo) đã ký kết không? Tôi có đút lót, hối lộ hay nhận của đút lót, hối lộ không?
• Tôi có tôn trọng quyền con người không? Tôi có chăm lo để chu toàn bổn phận của tôi với Thiên Chúa và gia đình không?
• Tôi có lấy tiền dành cho cuộc sống của gia đình để bài bạc không? Tôi có đánh bạc với số tiền lớn vì tham lam hoặc để thoả thích thay vì dùng tiền bạc để giúp đỡ người nghèo không?
• Tôi có quảng đại chia sẻ của cải với những người nghèo khó không?
• Tôi có quảng đại phục vụ Giáo Hội không? Tôi có đóng góp thời gian, tài năng, và của cải cho công việc tông đồ và bác ái của Giáo Hội và cho hoạt động của giáo xứ tôi không?
• Tôi có làm hại đến môi trường vứt rác bừa bãi và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cách vô tội vạ không?

Điều Răn VIII

"Ngươi không được làm chứng gian hại người" (Xh 20,16).
• Tôi có nói dối không? Điều tôi nói dối có gây hại đến tinh thần hay của cải của người khác không?
• Tôi có bịa chuyện vu khống cáo gian người khác không?
• Tôi có làm hại đến danh dự người khác bằng lời chứng dối hay tiết lộ với ác tâm các lỗi lầm hay tội lỗi của họ không?
• Tôi có thề gian không? Tôi có từ chối làm chứng cho sự vô tội của người khác chỉ vì sợ hãi hay ích kỷ không?
• Tôi có tham gia tán chuyện hay chỉ trích người khác không?
• Tôi có làm cho gương mù gương xấu cho người khác không?
• Tôi có phạm tội lừa đảo dưới bất kỳ hình thức nào không?
• Tôi có sỉ nhục hay trêu chọc người khác với ý định làm hại họ không?
• Tôi có nịnh hót, tâng bốc, xu nịnh người khác nhằm thủ lợi bất chính không?
• Tôi có xét đoán hồ đồ, nói xấu, và bôi nhọ người khác không?
• Tôi có tiết lộ bí mật mà tôi có bổn phận phải giữ không?

Những Tội Khác

• Tôi có cố ý che giấu không xưng những tội trọng trong lần xưng tội trước không?
• Tôi có chu toàn bổn phận xưng tội và rước lễ ít là một lần trong Mùa Phục Sinh không?
• Tôi có giữ chay vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh không?
III - XƯNG TỘI & ĐỀN TỘI

Hối nhân vào tòa giải tội và linh mục giải tội bắt đầu bằng dấu thánh giá và cùng đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Linh mục giải tội kêu mời hối nhân đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa bằng những lời như sau (hoặc những lời tương tự):

Xin Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn con (OBACE) để con xưng thú tội lỗi với lòng thống hối chân thành.

Hối nhân thưa: Amen.

Sau đó hối nhân bắt đầu nói:
Thưa cha, xin cha giải tội cho con vì con là kẻ có tội. Con đã xưng tội cách đây.....(nói rõ số thời gian [mấy tuần hoặc mấy tháng, mấy năm] kể từ lần xưng tội trước đến lần xưng tội này).
Sau đó hối nhân lần lượt kể ra các tội mình đã phạm. Để việc xưng thú có hiệu lực, hối nhân phải kể hết những tội trọng mà mình đã phạm cách ý thức kể từ lần xưng tội trước, hối hận vì những tội ấy, và phải có ý quyết tâm chừa cải, cố gắng không phạm những tội đó nữa.

Sau khi kể tội xong, linh mục giải tội khuyên giải hối nhân và ra việc đền tội. Sau đó ngài kêu mời hối nhân bày tỏ lòng ăn năn sám hối. Hối nhân có thể bày tỏ lòng thống hối bằng cách đọc để linh mục nghe được một trong những mẫu dưới đây (hãy đọc mẫu vắn tắt A khi có nhiều người xưng tội):

A. Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi (Lc18:13).

B. Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy (Tv 50; 3-4).

C. Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

Sau đó hối nhân cúi đầu nghe linh mục đọc lời xá giải như sau (lời tha tội này rất cần thiết để được khỏi tội, nếu hối nhân rời khỏi tòa trước khi linh mục đọc lời tha tội thì hối nhân sẽ không được khỏi tội):

"Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an, VẬY CHA THA TỘI CHO CON NHÂN DANH CHA VÀ CON + VÀ THÁNH THẦN".

Hối nhân làm dấu thánh giá (khi linh mục giải tội đọc: Nhân danh Cha và Con...) rồi thưaAMEN.

Linh mục tiếp tục: Hãy cảm tạ Chúa, vì Người nhân từ

Hối nhân: Vì lòng từ bi của Người tồn tại muôn đời.

Linh mục: Chúa đã tha tội cho con, hãy ra về bình an.

Hối nhân: Tạ ơn Chúa. Cám ơn cha.

Hãy nhớ làm việc đền tội ngay hay sớm nhất để sửa lại những thiệt hại đã gây ra bởi tội hay để chữa lành vết thương tội lỗi và tập đi đàng nhân đức.

(WTGP.Hà Nội 29.03.2014)

Leave a Reply