Banner 468

.
Facebook
RSS

Uống lá thanh nhiệt giải độc thế nào cho đúng?

-
Kim Mai

Dùng nhiều hoặc lâu dài nước mát thảo mộc không đúng cách có thể gây hại cơ thể. Với người tiểu gắt, men gan tăng, nhiệt lở miệng lưỡi... có thể sử dụng những công thức đơn giản riêng để mang lại hiệu quả cao.
PGS Nguyễn Thị Bay, Trưởng bộ môn Bệnh học, Khoa y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP HCM cho biết, các dược thảo thường được dùng để nấu nước có tác dụng thanh nhiệt, giải độc như mã đề, rễ cỏ tranh, râu bắp, lẻ bạn, mía lau, lá thuốc dòi... được cấu tạo thành các công thức chỉ định trong từng trường hợp riêng.
Nhiều người cứ nghĩ nước thảo mộc là vô hại nên sử dụng tùy tiện. Trên thực tế, mỗi loại dược thảo đều có công dụng và những kiêng cữ, lưu ý riêng. Tuy nước thảo mộc có nhiều công dụng tốt với sức khỏe nhưng nếu chúng ta lạm dụng thì cũng có khả năng nguy hại đến cơ thể, nhất là khi cơ thể đang có mắc một số bệnh mãn tính. Do ngoài công dụng giải khát, làm mát phế, vị, nhiều loại thảo dược dùng trong các loại nước mát có tác dụng lợi tiểu. Tác dụng này một mặt hỗ trợ hạ nhiệt, hạ áp, an thần, làm người dùng thoải mái, nhưng mặt khác có thể có khả năng tương tác với một số tân dược làm giảm tác dụng của thuốc chính. Hơn nữa dùng nhiều hoặc dùng lâu dài thuốc có chất lợi tiểu, có thể làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như canxi, kali...
Ảnh: ninacappu
Nước mát có nhiều công dụng tốt sức khỏe nhưng nếu lạm dụng các loại nước mát này thì cũng có khả năng nguy hại. Ảnh: ninacappu.
Theo y học cổ truyền, nếu thể chất người bệnh thuộc hàn, mà lại thường xuyên dùng các loại thuốc thanh nhiệt sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tiêu chảy, mất tân dịch... Để có sức khỏe, cần giữ được cân bằng âm dương, hàn nhiệt. Nếu gây ra mất cân bằng, tức là gây nên bệnh tật cho cơ thể. Dùng lâu một loại thuốc hay kể cả thực phẩm, dù là thuốc bổ nếu dùng quá nhiều, cũng sẽ có ảnh hưởng không tốt đến cơ thể.
Những lưu ý khi sử dụng nước mát
Cần chú ý đến mục đích, liều lượng sử dụng tùy vào từng điều kiện sức khỏe:
- Khi cơ thể bị nhiệt, như cảm giác bứt rứt, khát nước, khô họng miệng, tiểu ít, da bị nhọt lở, miệng lưỡi lở… có thể sử dụng nước mát như nước uống thông thường nhằm giải độc cho cơ thể, hoặc tăng cường nước và vi chất cho cơ thể trong mùa nắng nóng ra mồ hôi nhiều. 
- Khi cơ thể có đang mắc những bệnh cấp và mãn tính, cần phải được chỉ định và hướng dẫn sử dụng đúng mức. Ví dụ đối với người đái tháo đường, không thể sử dụng công thức có mía lau. Đối với người suy thận mãn, tùy thuộc vào độ suy cần phải được tính toán kỹ kể cả dùng nước uống thường, khi sử dụng nước mát từ các dược liệu có chứa các ion và các vi chất, khó kiểm soát hàm lượng, có thể đưa đến tình trạng suy thận nặng hơn….
- Đối với người khỏe mạnh, cũng không nên dùng liên tục hằng ngày, chỉ nên sử dụng trong một thời gian ngắn, và thay đổi thường xuyên các thành phần trong việc nấu nước mát cho gia đình.
- Đối với người có bệnh kèm theo, nên được tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Bay cũng cho biết công thức phổ biến thường dùng thay nước uống hàng ngày trong mùa nóng như lá thuốc dòi (cây bọ mắm) 100g, mã đề 100g, rễ tranh 100g, râu bắp 50g, mía lau 2-3 khúc, cây lẻ bạn lá lớn 2 lá. Tất cả đem rửa sạch rồi nấu trong 2-3 lít nước đến khi sôi, giữ sôi thêm 10-15 phút là dùng được.
Ngoài ra có thể dùng vài khúc mía lau, phối hợp với các loại tùy địa phương có sẵn như kèm một nắm hoặc râu bắp, hoặc rễ tranh hay mã đề...  rửa sạch nấu với 2-3 lít nước để sôi rồi giữ lửa sôi thêm thêm 10 phút, để nguội uống dần.
Để trị một số bệnh gây tiểu ít, tiểu gắt, nước tiểu sậm màu hoặc thậm chí có khi có cả phù thủng, có thể dùng: rễ cỏ tranh 30g, râu bắp 40g, xa tiền tử (hạt mã đề phơi khô hay sấy khô) 25g, hoa cúc 15g. Tất cả cho vào trong 2 lít nước, nấu còn lại 1 lít nước mát, chia đều uống trong ngày, dùng trong 10 ngày. Hoặc rễ tranh 50g, lá sen cạn 20g, râu bắp 20, rau má 20g, rau diếp cá 15g sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần trong ngày. Dùng 3-5 ngày.
Những người có men gan tăng do uống rượu bia nhiều hoặc các rắc rối về chức năng gan, có thể dùng các bài thuốc từ rễ cỏ tranh để thanh lọc, giải độc, làm mát gan. Có thể dùng rễ cỏ tranh để nấu nước uống theo cách: lấy 300g sinh mao căn (rễ tranh tươi) nấu với 1 lít nước, đun to lửa, khi nước sôi thì giảm nhỏ lửa đun tiếp 7-10 phút, lọc lấy nước, dùng trong ngày. Uống liên tiếp 10-15 ngày. Có thể nghỉ một thời gian rồi uống lặp lại 10-15 ngày nữa.
Những người thường bị nhiệt lở miệng lưỡi, đau đầu, chóng mặt, khó ngủ… có thể dùng cúc hoa 30g, mã đề 30g, rau má 30g, lạc tiên 30g nấu nước uống trong ngày.
Người bị sỏi hệ niệu, có thể sử dụng nước râu bắp, mã đề sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat.
Các công thức nêu trên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, các dược liệu dễ tìm, rẻ tiền, có thể sử dụng như thực phẩm là nước uống hàng ngày. Tuy nhiên, vẫn cần phải lưu ý một số trường hợp như người tạng hàn hay người đang suy nhược cẩn trọng trong sử dụng thay nước.
Lê Phương

Leave a Reply