Banner 468

.
Facebook
RSS

Mụn nhọt cũng có thể đe dọa tính mạng

-
Kim Mai

Mụn nhọt cũng có thể đe dọa tính mạng

Nhiều người quan niệm mụn nhọt là chuyện nhỏ nên thường bỏ qua, không điều trị, để đến khi mụn nhọt “già” thì tự lể, nặn hay đắp lá hút cùi theo kinh nghiệm dân gian. Những cách xử lý này có thể làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng huyết khi không được điều trị đúng, kịp thời. Nếu hiểu rõ về căn nguyên, cách chăm sóc thì mụn nhọt không phải là vấn đề lớn.
Cháu N.N.T., 15 tháng tuổi, ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, đến Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ khám bệnh trong tình trạng: sốt, đầu nổi đến hơn 10 mụn nhọt. Xen kẽ với những mụn nhọt đã nổi mủ, viêm đỏ là nhiều sẹo cũ do những nhọt từ trước đó để lại. Không những ở đầu mà cổ và trán của cháu T., cũng nổi nhọt rải rác. Cháu T. bị nhọt tái đi tái lại nhiều lần rồi bỏ ăn, quấy khóc, gia đình mới đưa đến bệnh viện.
Cũng nổi nhọt như cháu T., ông P.V.N., 47 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, phải nằm viện với chẩn đoán “đinh râu” (nổi nhọt ở vùng gần mũi, môi trên). Vùng môi trên của ông nổi một khối đỏ, có mủ ở giữa làm cho môi trên của ông bị sưng to, đau nhức, người bị nóng lạnh. Theo ông N. kể thì trước đó ông thấy nổi mụn ở mặt nên đã lấy tay nặn. Việc làm này vô tình gây nhiễm trùng nặng.
Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 5-7 trường hợp nổi nhọt như ông N. và cháu T., trong đó, trẻ em chiếm đa số. Ghi nhận tại bệnh viện cũng cho thấy, bệnh xuất hiện nhiều hơn trong mùa hè nóng nực, có lúc hơn 10 ca/ngày.
Nhọt là tình trạng viêm nang lông sâu. Bệnh thường do vi khuẩn tụ cầu vàng có tên Staphylococcus aureus sống thường trú trên da gây ra. Việc chà xát, cào gãi hoặc tăng tiết mồ hôi, viêm da, nhiễm nấm là cửa ngõ cho vi trùng xâm nhập, gây bệnh. Ngoài ra, cũng phải kể đến các yếu tố thuận lợi dẫn đến nhọt như: nghiện rượu, suy dinh dưỡng, tiểu đường, chàm thể tạng, suy giảm miễn dịch, tiếp xúc hóa chất, vệ sinh kém, béo phì, nhà có người đang bị nhọt… Biểu hiện ban đầu của nhọt là trên da xuất hiện một cục cứng, đỏ, bóp đau và lớn nhanh. Khi nhọt to ra thì trở nên mềm và rất đau sau vài ngày. Sau đó, nhọt vỡ ra, xì mủ, máu và một lõi chứa chất hoại tử (thường gọi là cùi). Khi đó, bệnh nhân thấy giảm đau, giảm sưng đỏ trong vài ngày đến vài tuần. Nhọt có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể nhưng thường gặp ở vùng cọ xát, ra mồ hôi nhiều như: cổ, mặt, đầu, nách, mông. Nhọt nổi nhiều tạo thành nhọt cụm, viêm nặng hơn, lan rộng hơn.
Có thể chữa nhọt bằng phương pháp tây y hoặc theo đông y. Tuy nhiên, khi đã xác định nguyên nhân rõ ràng gây nên nhọt thì tốt nhất là nên điều trị theo phương pháp tây y. Kinh nghiệm dân gian có nhiều bài thuốc đắp lên nhọt để lấy cùi nhưng cũng có nhiều trường hợp trị không dứt điểm, dẫn đến tái đi tái lại nhiều lần hay làm cho nhiễm trùng nặng hơn. Chưa kể trường hợp sử dụng không đúng bài thuốc, vệ sinh kém, làm bội nhiễm thêm, dẫn đến bệnh nặng hơn.
Tây y điều trị nhọt bằng cách sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần lưu ý kết hợp giữ vệ sinh cá nhân và đồ dùng, tắm bằng xà phòng có tính sát khuẩn, mặc quần áo rộng, thoáng, nhẹ, tránh chấn thương da. Điều cần lưu ý là không được tự ý rạch hoặc nặn nhọt sớm. Nếu nhọt còn cứng thì đắp nước ấm hoặc ngâm thuốc tím pha loãng, bôi cream hoặc mỡ kháng sinh (Bactroban, Fucidin) uống kháng sinh Oxacillin, Erythromycin hoặc Clindamycin, hạ sốt. Khi nhọt đã làm mủ, khu trú và mềm thì cần rạch để rửa sạch, dẫn lưu (tạo đường dẫn cho mủ chảy ra hết) và vẫn phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Khi nhọt xuất hiện nhiều, bệnh nhân có thể bị sốt, mệt mỏi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể đưa đến nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng người bệnh. Đặc biệt, nhọt ở mặt và mũi dễ theo đường máu đến xoang tĩnh mạch hang đưa đến áp xe não, viêm nội tâm mạc cấp, viêm xương – tủy xương,… Sự xâm nhập này có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không thể tiên đoán trước. Về mặt thẩm mỹ, nhọt có thể để lại sẹo xấu. Bệnh nhân cần được điều trị sớm để phòng tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, gây ra các biến chứng khác nặng nề hơn.
Để phòng tránh nhọt, cần giữ vệ sinh thân cá nhân tốt, tắm bằng xà phòng sát khuẩn, tránh chấn thương da (không gãi, nặn, chích lể). Đối với trẻ nhỏ, đối tượng thường bị nổi nhọt, cần được tắm bằng sữa tắm dành riêng cho trẻ. Khi trẻ bị rôm sảy hay xuất hiện các nốt đỏ, ngứa, vết thương ngoài da… cần được giữ vệ sinh vùng da đó, bôi dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, giảm ăn đồ ngọt, ăn uống đầy đủ đạm, vitamin, mặc quần áo rộng thoáng, giữ môi trường ở thông thoáng, sạch sẽ… cũng góp phần phòng tránh mụn nhọt. bs TỪ QUYẾT TÂM

Leave a Reply