Đau nhức cột sống, viêm sưng tấy ngón chân, viêm khớp mãn tính và hàng trăm nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe đều có thể bắt nguồn từ… đôi giày cao gót, phụ kiện không thể thiếu của chị em phụ nữ mỗi ngày.
Chạy xe trên đường vào những trời tối se lạnh, nghe đầu gối tê nhức, Minh Khuyên đem thắc mắc này hỏi một đồng nghiệp, cô bạn dường như cũng tìm được người đồng cảnh ngộ nên nhanh chóng kể lể: “Chứng này mình cũng bị, tối nào trời lạnh là nhức mỏi các khớp tay chân, đặc biệt ở khớp gối và bàn chân”. 

Đó chỉ là một trong những biểu hiện của chứng thoái hóa khớp ở người trẻ và đặc biệt và nữ giới văn phòng.

Nếu bị nặng, bệnh nhân có cảm giác đau âm ỉ, nhức buốt khi vận động ở vùng chân, đặc biệt là những lúc đổi tư thế, mang vác nặng hoặc thay đổi thời tiết. 

Cơn đau diễn biến thành từng đợt, mức độ đau tăng dần nó chèn ép rễ và dây thần kinh, từ đó làm biến dạng khớp, lệch trục hoặc thoát vị màng dịch.
Nguyên nhân gây đau chân là do ảnh hưởng của môi trường, bệnh lý cơ thể… Tuy nhiên, còn một thủ phạm ẩn mình mà nhiều chị em thường ít khi ngờ đến.

Thủ phạm ngay dưới chân

Chị em phụ nữ trong xã hội hiện đại đa phần có một trợ thủ đắc lực là những đôi giày cao gót. Không ai phủ nhận chúng giúp bạn tôn dáng, đẹp và cao hơn. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng thật đáng sợ. 

Một đôi giày cao gót sẽ khiến các dây thần kinh bị chèn ép, kéo căng và xê dịch liên tục khi nó buộc phải nâng đỡ cả trọng lượng cơ thể, nhưng lại bị “cấm cung” trong không gian chật chội và chênh vênh. Nó khiến việc lưu thông máu từ chân lên toàn bộ cơ thể bị cản trở, góp phần làm gia tăng căn bệnh nhức đầu, chóng mặt do thiếu máu và ô xy lên não.

Hơn nữa, triệu chứng viêm tấy các kẽ ngón chân, chai chân, sưng và biến dạng ngón chân… là những rắc rối có thể “viếng thăm” bạn bất cứ lúc nào. Trên thực tế, có đến 90% bệnh nhân viêm sưng tấy ngón chân mỗi năm là do thói quen mang giày cao gót gây ra.

Chưa dừng lại ở đó, giày cao gót còn tham gia vào quá trình phá hoại cột sống. Theo một số nghiên cứu của các chuyên gia xương khớp Châu Âu, nếu đi giày cao gót trên 10 cm mỗi ngày sẽ khiến cơ thể bạn mắc các bệnh về cột sống cao gấp 3 lần người đi dép bệt. 

Nguyên nhân là cơ thể luôn chông chênh, không cân bằng lâu. Từ đó, cột sống suy yếu dần và dễ bị vẹo hoặc đau nhức. Khi cột sống đang kêu cứu thì nguy cơ viêm khớp mãn tính cũng bắt đầu xuất hiện.
Mắc họa vì giày cao gót
Đau nhức cột sống, viêm sưng tấy ngón chân và hàng trăm nguy cơ tiềm ẩn cho
sức khỏe đều có thể bắt nguồn từ… đôi giày cao gót. (ảnh minh họa)
Theo giáo sư Kerrigan, thuộc trường Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) thì những phụ nữ thường mang giày cao gót có gấp đôi nguy cơ mắc chứng viêm khớp mãn tính so với những phụ nữ không có thói quen này. 

Khi mang giày cao gót, các cơ đùi phải hoạt động, làm nhiều, tăng sức ép cho khớp gối. Nếu đi giày có gót cao hơn 2 cm thì trọng lượng cơ thể sẽ tăng 22%, còn nếu giày cao gót cao hơn 5 cm thì trọng lượng cơ thể dồn nén lên đôi chân tăng khoảng 57%.

Đáng ngạc nhiên hơn và nghe thật vô lý, nhưng một nghiên cứu do các chuyên gia Châu Âu thực hiện năm 2010 cho thấy giày cao gót gây nên những ảnh hưởng xấu đến khung xương chậu, chi phối hoạt động của hệ thống niệu sinh dục, dẫn đến việc có thể bị lãnh cảm vì máu lưu thông không đều đến khu vực này.

Ngoài ra, giày cao gót còn khiến khung xương chậu bị nghiêng sang một bên, dẫn tới rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh và giảm khả năng thụ thai.

Giải pháp thích hợp

Nếu bạn không thể rời xa những đôi giày cao gót thì nên học cách chăm sóc đôi chân sau khi mang giày cao gót. Hãy thả lỏng đôi chân, tốt nhất là đi chân trần ngay sau khi tháo bỏ giày ra. 

Ngâm chân vào nước ấm pha muối loãng hoặc nước lạnh khoảng 15 phút. Khi massage, có thể dùng các loại tinh dầu nhẹ để loại bỏ stress, kích thích lưu thông máu và giúp bạn có được một giấc ngủ sâu. 

Trừ trường hợp cần phải mang giày cao gót đến các buổi dạ tiệc, còn lại bạn có thể chọn nhiều loại giày tăng chiều cao đế bằng, giày đế xuồng có kích cỡ vừa với đôi chân để giúp cơ thể được nâng đỡ an toàn.

Nếu chọn giày cao gót, cần chọn loại vừa với kích cỡ đôi chân, có thiết kế chiều cao tăng ở cả phần mũi giày. Chất liệu cũng cần phải xem xét, tốt nhất là dùng các loại có da tự nhiên, cao su mềm để di chuyển được êm ái. 

Khi mang thai, chị em tuyệt đối đừng mang giày cao gót. Nếu ở văn phòng, bạn nên tháo bỏ giày ra khi ngồi làm việc, di chuyển trong văn phòng bằng loại dép mềm, đế thấp, trừ lúc họp hành, tiếp khách, mới cần đi giày cao gót vào.

Với các loại giày cao gót trên 10 cm, chị em nên mang chúng vào các dịp lễ hội, dạ tiệc lớn, không lên lạm dụng việc tăng chiều cao kiểu này để đôi chân được “bình yên”.

CẢM TƯỞNG CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY?

LƯU Ý:

Các lời bình dưới đây thể hiện quan điểm của người sử dụng Yahoo!, và KHÔNG thể hiện quan điểm cũng như KHÔNG thuộc trách nhiệm của cơ quan xuất bản bài báo trên đây.