Những Ðiều Cần Biết Về
Viêm Gan B và Viêm Gan C
Bác Sĩ Phạm Hoàng Trung
Hiện nay trong cộng đồng Việt Nam nói riêng và trong cộng đồng Á Châu nói chung đang có nhiều mối ưu tư về những thanh niên còn rất trẻ, mới 30 mấy tuổi đầu, đã mất đi vì bị ung thư gan gây ra bởi nhiễm siêu vi gan B. Còn người bản xứ da trắng ở đây nếu có bị ung thư gan thì cũng phải tới 50-60 tuổi họ mới bị. So sánh như vậy, mình mới thấy người Việt Nam mình bị ung thư gan do nhiễm siêu vi gan B sớm hơn người da trắng tới hai ba chục năm. Ðáng buồn hơn nữa là đàn ông VN có tỉ lệ bị ung thư gan cao gấp 13 lần hơn người Mỹ trắng. Tỉ lệ này cũng được kể là cao nhất nếu so sánh với những giống dân Á châu khác, tức là người gốc Ðại Hàn có tỉ lệ ung thư gan gấp 8 lần người Mỹ trắng và người gốc Hoa có tỉ lệ ung thư gan gấp 6 lần người Mỹ trắng. Tính về tỉ lệ dựa trên bảng thử máu của người VN ở hải ngoại này bị viêm gan B và C cũng rất là cao, tỉ lệ bị viêm gan B là 16% và tỉ lệ bị viêm gan C là 10%. Tỉ lệ bị viêm gan này có thể còn cao hơn nữa vì có nhiều người chưa bao giờ thử về viêm gan. Trong những loại viêm gan đưa tới ung thư gan thì viêm gan B là nguyên nhân chính gây ra ung thư gan ở người Á Châu nói chung và VN mình nói riêng. Cái nguy hiểm của viêm gan B là có những trường hợp bệnh nhân bị ngay tới ung thư gan mà không qua giai đoạn bị xơ gan (chai gan) và kết quả thử máu của những bệnh nhân này vẫn không thấy sự hoạt động mạnh mẽ của siêu vi B, tức là số lượng siêu vi B đếm qua DNA vẫn còn thấp. Ðó là cái nguy hiểm của viêm gan B.
Còn viêm gan C phải bị qua chai gan mới dẫn tới bị ung thư gan mặc dầu viêm gan C có nhiều nguy cơ bị chai gan hơn là viêm gan B. Khoảng 25% bệnh nhân bị viêm gan C cấp tính sẽ khỏi hoàn toàn mà không cần chữa trị. Nhưng khoảng 75% bệnh nhân còn lại sẽ phát triển thành viêm gan C mãn tính (kinh niên) với sự phát hiện vi khuẩn viêm gan C trong máu. Và khoảng 20% những bệnh nhân bị viêm gan C mãn tính này sẽ có nguy cơ bị chai gan trong vòng từ 10 tới 20 năm sau khi bị nhiễm vi khuẩn viêm gan C.
Những công trình khảo cứu cho thấy những người bị viêm gan B kinh niên có nguy cơ bị ung thư gan 100 lần nhiều hơn những người không bị viêm gan B. Sở dĩ người bệnh viêm gan B dễ bị ung thư gan mà không trải qua giai đoạn chai gan là do chất DNA của siêu vi B có khả năng xâm nhập vào chất DNA của nhân tế bào gan người bệnh. Hiện tượng xâm nhập này làm thay đổi sự biến dưỡng của các tế bào gan, đồng thời làm xáo trộn chương trình sinh sản các tế bào gan mới, lái tế bào gan đi theo chiều hướng ung thư sai lệch bất thường.
Người mẹ có bầu bị viêm gan B có thể truyền vi khuẩn viêm gan B cho thai nhi. Nếu không bị nhiễm lúc sanh và không chích ngừa thì đứa bé có mẹ bị viêm gan B có 60% nguy cơ bị nhiễm viêm gan B trước khi nó được 5 tuổi. Và những đứa bé bị nhiễm viêm gan B này, sau đó lớn lên sẽ có nguy cơ bị ung thư gan rất cao, tức là nguy cơ bị ung thư gan lên đến 40% và có thể bị vào ở tuổi rất trẻ, khoảng 30 mấy là đã bị ung thư gan rồi. Thành thử các trẻ em sanh ra nếu chưa bị nhiễm viêm gan B nên được chích ngừa ngay để khỏi bị lây viêm gan B và từ đó tránh được hậu họa có nguy cơ bị ung thư gan. Ngay cả người lớn nếu đi thử máu không thấy mình bị viêm gan B cũng nên chích ngừa để được miễn nhiễm, khỏi sợ bị lây sau này.
Nếu quí vị chưa bao giờ đi thửa máu về viêm gan thì quí vị nên đi thử máu xem mình có bị viêm gan A, B, hoặc C không. Nếu sau khi thử máu mà quí vị thấy mình đã bị viêm gan B hoặc C mà chưa bị viêm gan A thì quí vị nên đi chích ngừa viêm gan A vì nếu mình đã bị viêm gan B hay C rồi mà sau này bị lây nhiễm thêm viêm gan A nữa, thì gan mình sẽ bị hư hại nặng nề hơn nữa. Thật sự nếu quí vị chưa bị viêm gan A thì cũng nên đi chích ngừa viêm gan A, nhất là cho quí vị nào hay đi du lịch các nước Á Châu hoặc hay qua Mễ chơi.
Nếu bảng thử máu của quí vị cho biết Hepatitis B Surface Antigen, (kháng nguyên bề mặt/ vũ khí của vi khuẩn viêm gan) dương tính (positive), rồi sáu tháng sau đi thử máu lại vẫn thấy dương tính nữa thì coi như quí vị đã bị viêm gan B. Trong trường hợp này, quí vị cần để ý xem những chỉ số về gan như AST, ALT có tăng cao không (AST, ALT nên dưới 45), chỉ số về ung thư gan là Alpha-Fetoprotein (AFP) có tăng bất thường không (chỉ số bình thường dưới 6.1) và nên đi siêu âm gan mỗi năm một lần để sớm phát hiện nếu có bị ung thư. Siêu âm gan cũng đơn giản, không đắt tiền, nhưng khá chính xác vì siêu âm gan khám phá hầu hết các ung thư gan lớn hơn 3 cm.
Về trường hợp viêm gan C, nếu kết quả thử máu cho biết quí vị có kháng thể chống lại viêm gan C (Hepatitis C Antibody, HCV Ab) thì quí vị có thể đã bị viêm gan C. Trong trường hợp này nếu muốn biết chắc xem mình có bị viêm gan C hay không thì nên thử xem số lượng vi khuẩn viêm gan C đếm qua RNA có nhiều không và xem luôn những chỉ số về gan như AST, ALT có lên bất thường không. Nếu số lượng viêm gan C đếm qua RNA ở mức dưới 1000 copies hoặc dưới 600 IU và những chỉ số về gan ở mức bình thường dưới 45 thì coi như mình đã được miễn nhiễm với viêm gan C. Muốn cẩn thận hơn nữa thì một năm sau có thể thử máu lại mà thấy kết quả vẫn như cũ thì yên chí là mình đã được miễn nhiễm với viêm gan C.
Ðiều đáng tiếc là hiện nay chưa có thuốc chích ngừa cho viêm gan C.
Nếu bệnh viêm gan chuyển tới giai đoạn bị chai gan mặc dầu bệnh nhân không thấy có những triệu chứng gì thì cũng nên đi thử máu mỗi 6 tháng 1 lần để theo dõi lượng AFP (Alpha-Fetoprotein) xem có lên cao hay không để sớm phát hiện ra ung thư gan, đồng thời cũng nên đi siêu âm gan mỗi năm một lần.
Vi khuẩn viêm gan B và C có trong máu và nước miếng của người bệnh, có trong chất tiết âm đạo của phụ nữ có bệnh, có trong tinh dịch của đàn ông bị bệnh, và những vi khuẩn này thường chỉ xâm nhập để lây bệnh cho người khác qua những chỗ da bị rách hay trầy xát.
Câu hỏi thường được đặt ra là nếu vợ hay chồng tôi bị viêm gan B hoặc C mà tôi chưa bị lây thì vấn đề gần gũi vợ chồng có bị lây cho tôi không?
Trường hợp thứ nhất: bà vợ bị viêm gan nhưng ông chồng không bị.
-Nếu người vợ bị viêm gan B hoặc C thì vi khuẩn viêm gan sẽ có trong chất tiết âm đạo của bà vợ. Người chồng sẽ dễ bị lây nếu dương vật bị trầy xát vì sự xâm nhập của vi khuẩn viêm gan có trong chất tiết âm đạo của bà vợ sẽ vào trong máu của người chồng qua chỗ trầy xát này. Còn không có sự trầy xát thì khó lòng người chồng bị lây.
Trường hợp thứ hai: ông chồng bị viêm gan nhưng bà vợ không bị.
-Nếu người chồng bị viêm gan B hoặc C thì vi khuẩn viêm gan sẽ có trong tinh dịch của ông chồng. Người vợ sẽ dễ bị lây nếu trong âm đạo có sự trầy xát vì sự xâm nhập của vi khuẩn viêm gan có trong tinh dịch của ông chồng sẽ vào trong máu của bà vợ qua chỗ trầy xát này. Còn không có sự trầy xát ở âm đạo thì bà vợ khó lòng mà bị lây.
Những quí bà vào tuổi mãn kinh, âm đạo hay bị khô dễ bị trầy xát có nguy cơ dễ bị lây từ ông chồng bị viêm gan. Thành thử các bà trong tuổi mãn kinh nên cẩn thận trong vấn đề này.
Một câu hỏi nữa cũng thường được đặt ra là nếu trong nhà có một người bị viêm gan B hoặc C thì các người khác trong nhà có dễ bị lây hay không, làm cách nào để khỏi bị lây, nhất là trong trường hợp ăn uống cùng bàn, cùng mâm?
Ăn uống cùng bàn, cùng mâm với một người bị viêm gan B hoặc C không có nguy cơ bị lây nhưng vì nước miếng của người bệnh có vi khuẩn viêm gan có thể dính vào thức ăn hay nước chấm nếu người này dùng đũa hay muỗng nĩa để gắp, múc hay chấm. Rồi những thức ăn hay nước chấm bị nhiễm vi khuẩn này được gắp hay chấm và ăn bởi một người khác ngồi cùng bàn mà người này lại bị lở miệng thì vi khuẩn có trong thức ăn hay nước chấm bị nhiễm có thể xâm nhập qua chỗ lở miệng vào trong máu người này làm người này có thể lây bệnh. Còn nếu người này không bị lở miệng hoặc không bị trầy sát trong miệng thì không có nguy cơ bị lây.
Thành thử trong nhà nếu có người bị viêm gan B hoặc C ngồi cùng bàn ăn mà muốn cẩm tắc vô áy náy thì chúng ta có thể đề nghị cả nhà khi gắp hay chấm thức ăn thì nên đổi đầu đũa, hoặc xài muỗng nĩa riêng biệt cho việc múc hay gắp thức ăn mà thôi.
Trong cộng đồng chúng ta nhiều người cũng ý thức được sự lây lan của bệnh viêm gan nên trong những bữa tiệc ở ngoài, như tiệc cưới chẳng hạn, chúng ta gắp nên đổi đầu đũa hoặc xài muỗng nĩa từ đĩa thức ăn để múc vào bát chúng ta, chứ đừng dùng đũa mình gắp thẳng vào dĩa thức ăn giữa bàn, vì điều này sẽ làm người khác ngồi cùng bàn cảm thấy ghê ghê và khó chịu.
Bàn chải đánh răng trong nhà nếu cẩn thận thì nên để riêng ra đừng để đụng chạm vì khi đánh răng dễ bị chảy máu và máu có vi khuẩn có thể dính từ bàn chải đánh răng này qua bàn chải đánh răng khác nếu để đụng chạm. Rồi vi khuẩn từ bàn chải đánh răng bị nhiễm có thể xâm nhập vào chỗ lở hay trầy xát ở miệng của người không bị bệnh và làm người này bị lây bệnh.
Ðể tránh lây bệnh trong nhà mỗi người nên dùng dao cạo râu riêng và đồ nạo lưỡi riêng cho từng người.
Trong nhà người bệnh viêm gan nên rửa tay thật kỹ sau khi xử dụng floss (chỉ) để xỉa răng vì xỉa răng bằng floss dễ bị chảy máu răng và máu dính ở tay có nhiễm vi khuẩn có thể lây qua vết trầy xát ở da người khác.
Nói tóm lại vi khuẩn viêm gan B hoặc C dù có trong máu, nước miếng, nước tiết âm đạo hay tinh dịch của người bệnh nhưng chỉ có thể lây thẳng vào đường máu của người khác qua những chỗ trầy xát, rách da hoặc lở miệng.
Thêm một câu hỏi nữa cũng thường được đặt ra là nếu tôi đã bị viêm gan B hoặc C rồi thì ăn uống làm sao cho gan khỏi bị hư hại hoặc thương tổn?
- Nếu đã bị viêm gan rồi thì cố gắng giữ cho cơ thể được khỏe mạnh hầu làm tăng cường hệ thống miễn nhiễm để chống lại sự đánh phá của vi khuẩn bằng cách ăn uống sao cho tinh khiết lành mạnh và tránh những yếu tố và nguyên nhân tác hại đến cơ thể nói chung và lá gan nói riêng.
Sau đây là những yếu tố và nguyên nhân cần phải để ý:
|