Ngủ trưa rất tốt cho sức khỏe, nhất là với người lao động trí óc. Giấc ngủ trưa cung cấp thời gian để tái sinh và phục hồi tế bào, sẽ là một cách hiệu quả để nâng cao sự tỉnh táo và hiệu suất làm việc vào buổi chiều.
Nên ngủ trưa mỗi ngày...
Theo kết quả của một nghiên cứu mới nhất về giấc ngủ trưa, có 45% những người được hỏi cảm thấy họ ngủ không đủ so với nhu cầu và 62% thì khó ngủ.
Và khi chất lượng giấc ngủ trưa bị ảnh hưởng sẽ tác động rất lớn tới buổi chiều và buổi tối ngày hôm đó: 48% số người được hỏi bị ảnh hưởng tới tính tình; 45% bị ảnh hưởng tới cảm xúc, khả năng và sự tập trung; 32% lại gặp những “rắc rối” trong hoạt động thường ngày và 30% bị tác động lên mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Và theo khuyến nghị, để “chữa trị” những rối loạn này, tốt nhất là hãy ngủ trưa!
Tuy nhiên, nhu cầu ngủ trưa ở mỗi người hoàn toàn không giống nhau.Và việc xuất hiện sự mệt mỏi đột ngột vào buổi chiều không hẳn do thiếu ngủ trưa, việc ăn uống mới là thủ phạm chính gây ra những sự mệt mỏi khó chịu này. Và đối với những người bỏ bữa cơm trưa hay không ăn sáng hay ăn tối, người ta không thấy xuất hiện điều đó.
Như vậy, không ngủ trưa không gây ra những cơn mệt mỏi đột ngột vào buổi chiều. Và không hẳn ai cũng phải ngủ trưa. Ở mỗi người, nhu cầu này gần như đã được lập trình sẵn trong cơ thể.
Đặc biệt, đối với những người do đặc thù công việc phải lao động chân tay hay trí óc nhiều về đêm, hãy luyện cho mình thói quen ngủ trưa. Một giấc ngủ ngắn trong ít phút sẽ giúp cho chúng ta bớt đi cảm giác buồn ngủ và có thể “ăn gian” được 1 hoặc 2 tiếng dành cho giấc ngủ tối mà không hề làm giảm chất lượng của nó.
... và đúng cách
Để ngủ trưa phát huy tác dụng, chúng ta cũng cần lưu ý thời gian, tư thế ngủ... sao cho đúng. Với những người không có thói quen này, cần phải chọn một cách nghỉ ngơi phù hợp khác.
Ngủ trưa đúng cách mới có lợi cho sức khỏe. Một giấc ngủ trưa tuyệt vời là khoảng từ 20-30 phút sẽ giúp giảm cảm giác buồn ngủ, tinh thần sảng khoái, bạn sẽ cảm thấy năng lượng phục hồi nhanh chóng và có thể tỉnh táo bắt tay vào công việc ngay. Ngủ trưa khoảng 26 phút sẽ cải thiện hiệu suất làm việc lên 34%, song không nên kéo dài quá 40 phút để tránh trạng thái mệt mỏi.
Với giấc ngủ trưa, nếu bạn ngủ quá lâu, hơn 1,5 giờ, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ngủ sâu. Lúc đó, nếu bị đánh thức hay buộc phải thức dậy, bạn sẽ cảm thấy nhức đầu, mệt mỏi, đờ đẫn… do các cơ quan trong cơ thể chưa sẵn sàng làm việc lại.
Tư thế ngủ rất quan trọng. Với nhiều người, nhất là giới văn phòng, sau giờ ăn trưa, họ sẽ gục đầu xuống bàn làm việc hay ngả người ra sau chiếc ghế tựa để chợp mắt. Dù đã ngủ nhưng sau khi thức dậy họ vẫn cảm thấy mệt mỏi, đau cổ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là do ngủ sai tư thế. Việc ngủ không đúng tư thế trong thời gian dài sẽ dẫn đến căng cơ, gây đau cổ và khiến cơ thể nhức mỏi thường xuyên.
Dù vậy, cho đến nay, người ta vẫn chưa đưa ra một tư thế mẫu nào để ngủ cả. Chỉ có chính người ngủ mới biết bản thân phù hợp với tư thế nào. Do cấu tạo cơ thể khác nhau, có người nằm nghiêng sang trái sẽ ngủ ngon, nghiêng sang phải sẽ thấy khó chịu, có người lại thích nằm sấp khi ngủ...
Tuy nhiên, nằm ngửa là tư thế ngủ được đánh giá tốt nhất (có đến 70 - 80% dân số ngủ với tư thế này). Vì vậy, bạn có thể tập ngủ trưa với tư thế nằm ngửa, nhưng lưu ý là phải nằm thẳng người, thả lỏng tay chân để cơ bắp nghỉ ngơi và phải thở nhịp nhàng.
Cũng cần lưu ý thêm
Để có giấc ngủ trưa tác động tốt đến sức khỏe, bạn đừng quên các lưu ý dưới đây:
- Chỉ nên nghỉ ngơi hoàn toàn sau khi ăn khoảng 10 - 20 phút.
- Giữ tinh thần thoải mái, không suy nghĩ gì khi ngủ.
- Hạn chế ngủ hoặc nghỉ trưa ở nơi có nhiều tiếng ồn.
- Không nên ăn quá no hoặc sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà-phê… trước đó vì chúng sẽ gây khó ngủ hoặc ngủ không ngon.
- Chọn tư thế ngủ phù hợp nhất để tránh trường hợp bị căng cơ, mệt mỏi sau khi dậy.
- Khi thức giấc, không nên đứng dậy ngay. Hãy ngồi tại chỗ khoảng 1 - 3 phút để cơ thể tỉnh táo hẳn rồi mới đứng dậy, bắt tay vào công việc của buổi chiều.
Cho phép ngủ lâu: Trường hợp thiếu ngủ, có thể cho phép bản thân ngủ lâu hơn nhưng không quá 1 tiếng rưỡi, tuy nhiên cần phải thiết lập đồng hồ báo thức. Giấc ngủ sâu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và khi đã “no” mắt, cơ thể sẽ khoan khoái và tỉnh táo để tiếp tục những phần việc còn lại trong ngày.
Cà phê: Nếu muốn phục hồi năng lượng thì giấc ngủ trưa bao giờ cũng tốt hơn so với cà phê. Tuy nhiên, cà phê sẽ phát huy vai trò tích cực nếu được uống sau khi ngủ dậy, bởi chất caffeine có thể giúp một số người cảm thấy tỉnh táo hơn sau một giấc ngủ ngắn.
Không ngủ nếu không thể: Nếu bạn cảm thấy không thể nào đưa mình vào giấc ngủ thì nên bỏ ý định nằm ì. Với một số người, giấc ngủ trưa chính là thủ phạm gây cản trở cho giấc ngủ ban đêm.
Đi dạo: Nếu bạn không có thời gian để ngủ hoặc không thể ngủ trưa tại nơi làm việc hay cảm nhận giấc ngủ trưa chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi và gây trở ngại cho giấc ngủ ban đêm, thì nên đi ra ngoài. Tìm đến những nơi có ánh nắng mặt trời giúp làm tăng nhiệt độ cơ thể và ngăn chặn chất gây buồn ngủ melatonin tấn công.
Ngủ đủ giấc cũng sẽ làm giảm nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim, béo phì và bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyên không nên ngủ sau 5h chiều để tránh việc lẫn lộn giữa giấc ngủ trưa và tối.