Banner 468

.
Facebook
RSS

Muộn vài giờ, mù suốt đời

-
Kim Mai


SGTT.VN - Mờ mắt nhanh thường là biểu hiện của những bệnh lý cấp tính, cần đến khám càng sớm càng tốt ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên nhiều khi do bệnh chỉ xảy ra ở một bên mắt nên bệnh nhân không để ý, hoặc chủ quan, nên chưa đi khám ngay. Nhiều người không biết rằng: nhiều bệnh gây mờ mắt nhanh rất cần chữa trị ở giai đoạn sớm, thậm chí có bệnh chỉ điều trị muộn vài giờ là gần như không còn hy vọng thấy lại ánh sáng!
Vì đâu mắt mờ nhanh?
Ảnh: Hữu Oai
Có nhiều nguyên nhân gây mờ mắt nhanh, trong đó thường gặp nhất là:
Viêm loét giác mạc: thường xuất hiện sau những chấn thương gây xước, trượt giác mạc (bụi, lông côn trùng, hạt thóc, lá lúa…) Những dấu hiệu ban đầu là cảm giác cộm, chảy nước mắt, sau đó chói, sợ ánh sáng; đau nhức âm ỉ tại mắt, đau có thể lan ra xung quanh hốc mắt hay lên đầu, nhìn mờ nhiều hay ít tuỳ vị trí và mức độ tổn thương. Mi mắt thường sưng nề, khó mở mắt. Mắt đỏ. Bệnh tiến triển nhanh, thậm chí có khi chỉ sau một ngày ổ loét đã phát triển lan rộng, mủ hoá toàn bộ giác mạc, điều trị không kịp thời có thể phải bỏ mắt.
Do chấn thương mắt, phỏng mắt: trường hợp này bệnh nhân thường đau đớn nhiều, nên thường lo lắng và không chịu đựng được nên phải đi khám sớm.
Viêm màng bồ đào trước cấp: dấu hiệu nhìn mờ xuất hiện ngay từ đầu, có khi như nhìn qua màn sương, có khi mờ nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt. Đau nhức mắt là dấu hiệu nổi bật nhất, đau âm ỉ, đôi khi thành cơn, kèm nôn hoặc buồn nôn. Đỏ mắt vùng sát với lòng đen. Có khi sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Điều trị sớm giúp hạn chế biến chứng dính bít đồng tử, tăng nhãn áp…
Glôcôm góc đóng cơn cấp: còn gọi là bệnh thiên đầu thống. Bệnh khởi phát đột ngột, có thể xảy ra sau xúc động mạnh. Đột nhiên bệnh nhân thấy đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, lan lên nửa đầu cùng bên, kèm theo thấy nhìn mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhưng không ghèn, mắt đỏ.
Xuất huyết dịch kính: do nhiều nguyên nhân như tăng huyết áp, tân mạch võng mạc trong bệnh đái tháo đường, chấn thương, rách võng mạc, bong dịch kính sau, vỡ phình mạch võng mạc, khối u… Bệnh có biểu hiện thấy làn khói đỏ, màng che màu đỏ di động, gây mờ mắt nhanh.
Tắc động mạch trung tâm võng mạc: thường gặp trên những người có tiền sử bệnh lý tim mạch: xơ vữa động mạch nhất là động mạch cảnh, tăng huyết áp, bệnh tim; rối loạn lipid máu; sau chấn thương lồng ngực, gãy xương nhất là gãy xương lớn (như xương đùi), sau khi tiêm corticoid dạng huyền phù khu vực mắt. Bệnh thường có biểu hiện mù một mắt hoàn toàn (hoặc chỉ một vùng nếu chỉ tắc nhánh), đột ngột, không đau, không đỏ mắt.
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc: thường do bệnh tăng huyết áp, nhiễm trùng, tim mạch… Bệnh có biểu hiện thị lực giảm nhanh trong vài ngày, cảm giác như sương mù hoặc có ám điểm trung tâm, thị lực giảm nhiều ít tuỳ hình thái. Có thể gặp các biến chứng: tăng sinh tân mạch, xuất huyết dịch kính, glôcôm tân mạch…
Bong võng mạc: do cận thị nặng, chấn thương, bệnh nhân không còn thể thuỷ tinh, di truyền… Bệnh nhân lúc đầu có thể thấy chớp sáng trước mắt, sau đó nhìn vật biến dạng, thị lực giảm, mất vùng nhìn.
Viêm thị thần kinh cấp: thường do nhiễm trùng, viêm xoang. Biểu hiện bằng thị lực giảm nhanh, thường có điểm đen ở trung tâm hoặc gần trung tâm điểm muốn nhìn.
Xử trí ban đầu sớm, đúng cách
Khi có những biểu hiện mờ mắt nhanh, bệnh nhân nên khám chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời, mới hy vọng có lại thị lực tốt nhất. Tuyệt đối không chủ quan xem nhẹ những dấu hiệu ban đầu. Đối với tắc động mạch trung tâm võng mạc, điều trị tích cực trong hai giờ đầu thị lực có thể phục hồi. Mọi điều trị sau sáu giờ kể từ khi có triệu chứng mờ đột ngột có kết quả rất hạn chế. Trường hợp bị viêm thị thần kinh cấp, nếu điều trị muộn khi thần kinh mắt đã teo, bạc trắng thì không thể phục hồi thị lực.
Trường hợp bị glôcôm góc đóng cơn cấp, điều trị muộn cũng khiến thần kinh của mắt bị chết do thiếu máu kéo dài, không thể phục hồi thị lực.
Lưu ý, nếu chấn thương mắt có tác nhân xuyên vào mắt, nên để nguyên và đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa mắt, không tự ý rút ra sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, điều trị khó khăn hơn. Các trường hợp phỏng mắt dù là nguyên nhân nào cũng cần nhanh chóng loại bỏ tác nhân khỏi nhãn cầu, tránh làm tổn thương thêm (phỏng do vôi mà còn vôi cục trong mắt thì nên gắp bỏ trước khi rửa mắt; phỏng do hoá chất hay nhiệt nên rửa mắt liên tục, kéo dài bằng nước sạch, trong cả thời gian chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế). Ngay cả khi cơn đau đã dịu đi một cách tự nhiên, bệnh nhân vẫn nên đến khám ngay để được chẩn đoán đầy đủ, từ đó có hướng điều trị tốt nhất, tránh tái phát và biến chứng.
BS Trần Huyền Trang
Khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú, bệnh viện Mắt Trung ương
POLL
Bạn quan tâm đến giải thưởng điện ảnh Oscar như thế nào?

NGUY HIỂM MÓN VI CÁ MẬP

Leave a Reply