SGTT.VN - Hiện nay, lối sống công nghiệp vội vã dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, căng thẳng tinh thần ngày càng phổ biến, đi cùng với nó là những chứng bệnh liên quan đến giấc ngủ. Nhiều người khi đến khám tại các bệnh viện hoặc trung tâm chuyên về giấc ngủ, đã được bác sĩ cho đo đa ký giấc ngủ.

Giấc ngủ được đo như thế nào?

Đa ký giấc ngủ (Polysomnography) là phương tiện dùng để ghi lại một loạt thông số sinh lý của con người trong khi ngủ nhằm chẩn đoán và đánh giá độ nặng của hội chứng ngưng thở khi ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác nhau. Máy đa ký giấc ngủ có các kênh để ghi điện não, điện tim, điện cơ mắt, điện cơ cằm, điện cơ chân, mức oxy trong máu, thông khí hô hấp, chuyển động cơ hô hấp, tiếng ngáy.

Đa ký giấc ngủ thường được thực hiện ở một đơn vị điều trị rối loạn giấc ngủ trong bệnh viện hoặc tại một trung tâm theo dõi giấc ngủ. Những phòng này được trang bị gần gũi như phòng ngủ của bệnh nhân với các tiện nghi giống ở nhà như bàn ghế, tivi, tủ lạnh, máy lạnh để tạo cho bệnh nhân một giấc ngủ tự nhiên như thường ngày. Bệnh nhân ngủ qua một đêm tại trung tâm. Đo đa ký được thực hiện trong suốt giấc ngủ của bệnh nhân. Nhân viên y tế sẽ gắn những bộ phận nhận cảm lên một số vị trí trên người như đầu, mặt, ngực, chân, đầu ngón tay để ghi nhận một số kết quả của người bệnh trong suốt giấc ngủ. Đo đa ký giấc ngủ hoàn toàn không gây đau đớn.

Những ai cần đo đa ký giấc ngủ?

Các rối loạn về giấc ngủ rất đa dạng và phức tạp, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khoẻ, thậm chí có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân bị rối loạn về giấc ngủ thường đến khám với các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau vì các triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, giảm trí nhớ, trầm cảm, các triệu chứng của một số bệnh về tim mạch và hô hấp khó kiểm soát v.v... Nhiều bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ đã không được chẩn đoán chính xác căn nguyên trong một thời gian dài. Để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, bác sĩ cần hỏi kỹ triệu chứng bệnh, thăm khám cẩn thận và nếu nghi ngờ bệnh nhân bị các chứng bệnh sau đây, sẽ được cho đo đa ký giấc ngủ:

Rối loạn giấc ngủ liên quan đến hô hấp: thường gặp nhất là hội chứng ngưng thở khi ngủ, một loại rối loạn khiến bệnh nhân có những cơn ngưng thở trong ít nhất mười giây trong giấc ngủ và lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Bệnh nhân bị hội chứng này thường biểu hiện bằng ngáy to, có những cơn ngưng thở về đêm; thở phì phò, thở hổn hển vào cuối thời kỳ ngưng thở; thức giấc ban đêm vì cảm giác ngộp thở. Các hội chứng khác như tăng kháng lực đường hô hấp trên, hội chứng tăng thông khí ở người béo phì...

Chứng ngủ rũ: bệnh nhân buồn ngủ quá mức vào ban ngày, có thể có những ảo giác trong khi ngủ hoặc tê liệt cơ tạm thời, các cơn buồn ngủ thường xảy đến bất ngờ thậm chí khi đang làm việc, đang lái xe nên có thể gây tai nạn.

Hội chứng chân không yên: bệnh nhân cảm giác khó chịu, râm ran như kiến bò hoặc đau chân thôi thúc bệnh nhân phải cử động chân, các triệu chứng nặng thêm khi ngồi hay nằm, vào buổi chiều tối, giảm khi đi lại hay khi cử động. Bệnh nhân có thể bị chuột rút hoặc co giật lặp đi lặp lại ở chân trong khi ngủ.

Những hành vi bất thường trong khi ngủ: như mộng du, ác mộng, đái dầm, cơn tê liệt trong giấc ngủ, cơn co giật xảy ra vào ban đêm khi mà cả bệnh nhân và người thân đều không nhận biết. Đa ký giấc ngủ còn dùng để phát hiện, đánh giá một số các rối loạn giấc ngủ liên quan đến hen suyễn, đến tâm thần, cơn hoảng sợ trong đêm ở trẻ em, chứng nghiến răng khi ngủ…

Mất ngủ mãn tính không rõ nguyên nhân: bệnh nhân thường xuyên gặp khó khăn khi bắt đầu giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ.

Không cần đo đa ký giấc ngủ trong những trường hợp mất ngủ có nguyên nhân đơn giản và rõ ràng.
----------------------------
Hiện nay đa ký giấc ngủ là phương tiện chẩn đoán hữu hiệu nhất các rối loạn giấc ngủ. Từ kết quả của đa ký giấc ngủ, bác sĩ sẽ kết luận người đó có bị hội chứng ngưng thở khi ngủ hay các rối loạn khác về giấc ngủ hay không, mức độ ra sao và đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể. Đa ký giấc ngủ còn được dùng để điều chỉnh kế hoạch điều trị ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán bị rối loạn giấc ngủ nhưng điều trị chưa hiệu quả.

Trong ảnh là một bệnh nhân đang được đo đa ký giấc ngủ, các bộ phận nhận cảm được gắn nhẹ nhàng trên da để ghi lại hoạt động điện của não, cơ mắt, cơ cằm; độ bão hoà oxy, lưu lượng khí ở mũi, dây đai ở ngực để đo gắng sức hô hấp cử động của ngực và bụng.

ThS.BS Lê Thị Thu Hương

CẢM TƯỞNG CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY?

your avatar
Bạn đã chọn không chia sẻ cập nhật từ Shine từ Yahoo!.