Qua thực tế thiết kế và thi công một số công trình, chúng tôi thường được chủ nhà yêu cầu đo đạc cửa nẻo theo thước Lỗ Ban, điều đó cho thấy họ vẫn rất tin tưởng vào cây thước cổ truyền này. Tuy không phải là những nhà địa lý nhưng do có tham bác qua một số thư tịch chúng tôi có thể hướng dẫn các bạn nhanh chóng sử dụng được cây thước này. Vấn đề còn lại ở đây là liệu đo đạc theo thước Lỗ Ban có phải là một hành động mê tín hay không. Có người cho đó là mê tín vì một lý do hết sức đơn giản, trên cây thước Lỗ Ban toàn những chữ Hán ngoằn ngèo giống bùa chú. Theo quan niệm cá nhân chúng tôi, thước Lỗ Ban là một cây thước kinh nghiệm, nó không thuộc bất kỳ một hệ thống đo đạc nào trên thế giới, nó được đúc kết và đã thử nghiệm cả ngàn đời nay chỉ để phân định hai chữ tốt xấu. Dĩ nhiên chỉ bằng một cây thước làm sao cải đổi được vận mạng, nhưng có lẽ qua chính sự sử dụng của các bạn mà nghiệm được rằng khi tai hoạ có đến cũng nhẹ đi một chút, lộc phúc có đến cũng may mắn hơn thêm.
1. THÂN THẾ LỖ BAN
Lỗ Ban, truyền thuyết họ Công Thâu tên gọi là Ban, người nước Lỗ đời Xuân Thu (hiện tại thuộc tỉnh Sơn Đông), cùng thời Mặc Tử (một triết gia nổi tiếng). Vì ông là người nước Lỗ, cho nên mọi người đều gọi ông là Lỗ Ban. Ông là một người thợ nổi tiếng thời cổ đại và cũng là một nhà phát minh xuất sắc. Từ ngàn năm nay, thợ mộc và thợ xây dựng Trung Quốc đều tôn thờ ông như một vị tổ sư.
2. THƯỚC LỖ BAN
Các nhà địa lý thường họ có cho riêng mình một cây thước Lỗ Ban (bằng gỗ) nhưng chúng ta chỉ sử dụng một lần cho ngôi nhà của mình nên không cần phải tự làm riêng chi cho tốn kém, chỉ cần đến các tiệm tạp hoá dọc đường Lê Lợi (Sài Gòn) là có thể mua được một cây thước kéo có kèm thước Lỗ Ban. Xin khẳng định trước để các bạn yên tâm là thước Lỗ Ban này hoàn toàn chính xác, sử dụng được.
Khi kéo cây thước này ra các bạn sẽ thấy có 2 hàng chữ Hán nằm trong các ô, một hàng chữ lớn và một hàng chữ nhỏ. Các bạn cứ lần theo hàng chữ lớn cho đến ô có số 1 nhỏ, đối chiếu ta được 42.9 cm hoặc gần 17 inches, đó chính là chiều dài của một cây thước Lỗ Ban. Như vậy suốt chiều dài cây thước kéo, loại 5 m chẳng hạn, chỉ là một sự lập đi lập lại hơn 11 cây thước Lỗ Ban. Điều đó là một thuận tiện vì nếu sử dụng thước Lỗ Ban gỗ tự làm (chỉ một đoạn 42.9 cm) như các nhà địa lý, khi đo một khoảng cách lớn phải dời thước tới lui gây ra sai số, có thể chệch đi tốt xấu trong gang tấc.
Một cây thước Lỗ Ban có 8 cung (hàng chữ lớn, nằm trong ô vuông), là biến thể của đồ hình Bát quái, thay vì sắp theo hình tròn người ta sắp lại theo hàng ngang. Trong 8 cung đó có 4 cung tốt (màu đỏ) và 4 cung xấu (màu đen), đi từ trái sang phải sắp xếp theo thứ tự sau
Tài - Bệnh - Li - Nghĩa - Quan - Kiếp - Hại - Bản
Trong mỗi cung đó lại chia thành 4 cung nhỏ mà chúng tôi sẽ giải thích cặn kẽ cho các bạn hiểu. Chú ý là chúng ta vẫn đang xem xét hàng chữ lớn.
° Cung thứ 1 (đỏ, tốt) - Tài: tiền của, chia thành:
- Tài Đức : có tiền của và có đức
- Bảo Khố : kho báu
- Lục Hợp : sáu cõi đều tốt (Đông-Tây-Nam-Bắc và Trời-Đất)
- Nghinh Phúc : đón nhận phúc đến
° Cung thứ 2 (đen, xấu) - Bệnh: bệnh tật, chia thành:
- Thoái Tài : hao tốn tiền của, làm ăn lỗ lã
- Công Sự : tranh chấp, thưa kiện ra chính quyền
- Lao Chấp : bị tù
- Cô Quả : chịu phận cô đơn
° Cung thứ 3 (đen, xấu) - Li: chia lìa, chia thành:
- Trường Khố: dây dưa nhiều chuyện
- Kiếp Tài: bị cướp của
- Quan Quỉ: chuyện xấu với chính quyền
- Thất Thoát: mất mát
° Cung thứ 4 (đỏ, tốt) - Nghĩa: chính nghĩa, tình nghĩa, chia thành:
- Thiêm Đinh : thêm con trai
- Ích Lợi: có lợi ích
- Quí Tử: con giỏi, ngoan
- Đại Cát: rất tốt
° Cung thứ 5 (đỏ, tốt) - Quan: quan chức, chia thành:
- Thuận Khoa: thi cử thuận lợi
- Hoạnh Tài: tiền của bất ngờ
- Tiến Ích: làm ăn phát đạt
- Phú Quý: giàu có
° Cung thứ 6 (đen, xấu) - Kiếp: tai hoạ, chia thành:
- Tử Biệt: chia lìa chết chóc
- Thoái Khẩu: mất người
- Ly Hương: xa cách quê nhà
- Tài Thất: mất tiền của
° Cung thứ 7 (đen, xấu) - Hại: thiệt hại, chia thành
- Tai Chí: tai hoạ đến
- Tử Tuyệt: chết mất
- Bệnh Lâm: mắc bệnh
- Khẩu Thiệt : mang hoạ vì lời nói
° Cung thứ 8 (đỏ, tốt) - Bản: vốn liếng, bổn mệnh, chia thành:
- Tài Chí: tiền của đến
- Đăng Khoa: thi đậu
- Tiến Bảo: được của quý
- Hưng Vượng:làm ăn thịnh vượng
Tiếp theo chúng tôi giải thích sơ lược phần thước có hàng chữ nhỏ, đây là thước Lỗ Ban kết hợp, nó có chiều dài 38.8 cm (các bạn sẽ thấy có số 1 nhỏ xuất hiện tại vị trí này), và cũng như phần trên nó cũng lập đi lập lại suốt chiều dài thước kéo. Thước này gồm 10 cung, 6 cung tốt (màu đỏ) và 4 cung xấu (màu đen). Đi từ trái sang phải, thứ tự như sau
° Cung 1 (đỏ, tốt) - Đinh: con trai, chia thành:
- Phúc Tinh: sao Phúc
- Cập Đệ: thi đỗ
- Tài Vượng: được nhiều tiền của
- Đăng Khoa: (từ đây trở đi, từ nào đã giải thích, các bạn xem lại ở trên)
° Cung 2 (đen, xấu) - Hại: chia thành:
- Khẩu Thiệt
- Bệnh Lâm
- Tử Tuyệt
- Tai Chí
° Cung 3 (đỏ, tốt) - Vượng: thịnh vượng, chia thành
- Thiên Đức: đức của trời ban
- Hỉ Sự: gặp chuyện vui
- Tiến Bảo
- Nạp Phúc: đón nhận phúc
° Cung 4 (đen, xấu) - Khổ: khổ đau, đắng cay, chia thành
- Thất Thoát
- Quan Quỉ
- Kiếp Tài
- Vô Tự : không con nối dõi
° Cung 5 (đỏ, tốt) - Nghĩa: chia thành:
- Đại Cát
- Tài Vượng: nhiều tiền của
- Ích Lợi
- Thiên Khố: kho trời
° Cung 6 (đỏ, tốt) - Quan: chia thành:
- Phú Quý
- Tiến Bảo
- Hoạnh Tài
- Thuận Khoa
° Cung 7 (đen, xấu) - Tử: chết chóc, chia thành:
- Ly Hương
- Tử Biệt
- Thoái Đinh : mất con trai
- Thất Tài : mất tiền của
° Cung 8 (đỏ, tốt) - Hưng: hưng thịnh, chia thành:
- Đăng Khoa
- Quí Tử
- Thiêm Đinh
- Hưng Vượng
° Cung 9 (đen, xấu) - Thất: mất mát, chia thành:
- Cô Quả
- Lao Chấp
- Công Sự
- Thoái Tài
° Cung 10 (đỏ, tốt) - Tài: chia thành:
- Nghinh Phúc
- Lục Hợp
- Tiến Bảo
- Tài Đức
3. CÁCH ĐO ĐẠC
Thước Lỗ Ban được sử dụng đo đạc trong xây dựng dương trạch (nhà cửa) và âm cơ (mộ phần). Ở đây chúng tôi chỉ bàn về xây dựng nhà cửa.
Trong nhà, cái quan trọng nhất là cửa nẻo, chỗ chúng ta hàng ngày vẫn đi qua lại. Sách Đạo Đức Kinh , chương 11, Lão Tử có nói: “Tạc hộ dũ dĩ vi thất, đương kỳ vô, hữu thất chi dụng” nghĩa là “Đục cửa và cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được”.
Khi đo cửa, các bạn nên nhớ chỉ đo khoảng thông thuỷ, nghĩa là tính từ mép trong của cửa, điều này rất quan trọng, vì nhiều khi các bạn chừa lỗ cửa đúng kích thước Lỗ Ban nhưng khi lắp cửa vào do có thêm các gờ đố cửa mà làm sai chệch cung tốt - xấu. Cách thức đo là các bạn kéo thước từ mép cửa này sang mép cửa kia, nếu rơi vào cung đỏ là ta được kích thước tốt, rơi vào cung đen là kích thước xấu, đo cả chiều rộng lẫn chiều cao cửa. Nhưng có một điều các bạn đặc biệt lưu ý, do thước Lỗ Ban của chúng ta sử dụng có thêm phần thước kết hợp, tức là phần thước hàng chữ nhỏ, nên có khi cửa đã lọt vào cung tốt ở hàng trên, hàng dưới lại là cung xấu và ngược lại. Đó chính là luật bù trừ trong vũ trụ, ta được ở mặt này lại mất ở mặt khác, không thể có cái gọi là hoàn hảo trên đời này. Như vậy, để được một kích thước tốt, cần phải trên đỏ, dưới đỏ. Ví dụ, cửa phòng bạn có kích thước 85 cm, nghĩa là lọt vào cung Hưng Vượng , màu đỏ - tốt nhưng đối chiếu hàng bên dưới lại lọt vào cung Tai Chí , màu đen - xấu. Để khắc phục các bạn có thể nới rộng cửa ra từ 86 đến 89 cm chẳng hạn. Cách sửa chữa khi cửa lọt vào cung xấu là các bạn có thể bào bớt cửa, đóng thêm nẹp, hoặc cùng lắm là làm lại khuôn cửa và cánh cửa mới cho đúng kích thước. Ngoài cửa nẻo ra thì giường nằm và bàn làm việc cũng nên theo kích thước Lỗ Ban, cách thức đo tương tự.
4. SỰ ỨNG NGHIỆM CỦA CÁC CUNG
° Cung Tài: nghĩa là tiền của, ứng nghiệm tốt nhất với cổng lớn, nơi đón nhận của cải từ ngoài vào.
° Cung Bệnh: là đau bệnh, ứng đặc biệt vào nhà vệ sinh. Nơi này thường là góc hung (xấu) của nhà, cửa lọt vào chữ Bệnh sẽ thuận lợi cho bệnh tật sinh ra.
° Cung Ly: là chia lìa, rất kỵ cho cửa trong nhà. Cửa lọt vào chữ Ly, chồng thì làm ăn xa nhà, vợ gặp điều quyến rũ, con cái hoang đàng phá phách.
° Cung Nghĩa: rất tốt cho cổng lớn và cửa nhà bếp, cửa các phòng thông nhau thì không nên.
° Cung Quan: rất kỵ ở cổng lớn vì tránh chuyện kiện tụng ra chính quyền, nhưng lại tốt ở cửa phòng riêng vợ chồng vì sẽ sinh con quí tử.
° Cung Kiếp: là bị cướp, tượng trưng cho tai hoạ khách quan đến từ bên ngoài khiến hao tổn tiền của. Tránh ở cổng lớn, nhất là các cửa hàng, tiệm buôn càng nên lưu ý.
° Cung Hại: tượng trưng cho mầm xấu nhen nhúm từ bên trong, kỵ ở các cửa phòng trong nhà.
° Cung Bản: thích hợp cho cổng lớn.
Như vậy là chúng tôi đã trình bày cặn kẽ cây thước Lỗ Ban - một kinh nghiệm cổ truyền quí báu - hòng giúp các bạn tự mình có thể đo đạc tìm ra một kích thước tốt nhất cho cửa nẻo ngôi nhà. Trong cuộc sống, hoạ phúc khôn lường, như câu chuyện "Tái ông thất mã" thì rõ ràng hoạ là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ nấp của hoạ. Dẫu biết vậy nhưng đã là con người ai không mong gặp chuyện phúc lành - may mắn tránh bớt điều tai ương - rủi ro, sử dụng thước Lỗ Ban cũng là vì lý do đó. Các bạn nên nhớ rõ cho rằng một cây thước không thể quyết định được vấn đề hoạ phúc, nó chỉ tạo cho mình một sự vững tâm khi ra ngoài tiếp xúc với xã hội, chính sự vững tâm đó mới mang lại những cơ hội tốt lành cho bản thân.
Cuối cùng chúng tôi mong rằng các bạn sử dụng và yêu mến cây thước Lỗ Ban như một kinh nghiệm của ngày xưa, các bạn đừng quá tôn thờ đặt hết niềm tin vào nó để rồi biến nó thành một trò mê tín dị dđoan. Chúng tôi xin được mượn lời của Khổng Tử làm lời kết cho bài viết này, “Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ” nghĩa là “Chuyên chú vào những điều dị đoan, chắc chắn có hại”.
[You must be registered and logged in to see this image.]
[You must be registered and logged in to see this image.]