Banner 468

.
Facebook
RSS

-
Kim Mai

Chuyện gì xảy ra từ cái bắt tay lỏng lẻo?

SGTT.VN - Đó có thể là biểu hiện lâm sàng khi tuỷ sống cổ bị chèn ép do các loại bệnh lý khác nhau gây tổn thương tuỷ sống mạn. Liệt vận động tứ chi, rối loạn tiêu tiểu là hình thức lâm sàng nặng nhất. Tê các ngón bàn tay, mất các cử động khéo léo của bàn – ngón tay thường là dấu hiệu khởi đầu.
Thủ phạm chèn ép tuỷ sống mạn
Những nguyên nhân chèn ép tuỷ sống mạn nằm quanh tuỷ sống cổ theo thứ tự thường gặp: thoát vị đĩa đệm cổ, thoái hoá cột sống cổ, cốt hoá dây chằng dọc sau, cốt hoá dây chằng vàng. Một số ít trường hợp kết hợp nhiều nguyên nhân cùng lúc. Những nguyên nhân khác ít thấy là bướu ống sống, cột sống cổ hẹp di động nhiều, gây chèn ép động tuỷ sống cổ. Thoát vị đĩa đệm thường thấy trong hạng tuổi 40 – 50, thoái hoá đĩa đệm thường thấy trong hạng tuổi 50 – 60. Cốt hoá dây chằng dọc sau hay dây chằng vàng ít thấy; thường sau 50 tuổi.
Cần lưu ý không phải lúc nào các trường hợp trên cũng là nguyên nhân gây chèn ép, dù được phát hiện trên X-quang thường quy, X-quang cắt lớp điện toán (CT) hay hình ảnh cộng hưởng từ (MRI). Vì thế bệnh nhân đừng quá lo lắng với những thuật ngữ trên.
Những dấu hiệu mắc bệnh
Triệu chứng lâm sàng thường thấy của bệnh lý tuỷ sống cổ mạn tính: tê các ngón (các ngón tay bị tê: hai ngón thứ tư và thứ năm; ba ngón một, hai và ba; cả năm ngón một, hai, ba, bốn và năm; tê thường thấy ở cả ngón tay mặt lưng hay lòng khác tê đầu năm ngón tay trong bệnh viêm khớp dạng thấp). Tê từ vai lan xuống cánh tay, cẳng tay, bàn tay và đến các ngón tay; tê thân mình; tê cẳng bàn chân; mất cử động khéo léo các ngón tay (khó cầm đũa gắp thức ăn, cầm muỗng dễ hơn nhưng dần dần cũng khó khăn; ký tên xấu đi; chữ viết xấu dần; trở nên vụng về khi gài nút áo). Cánh tay, cẳng tay, bàn tay yếu dần (bệnh nhân không cầm nắm được đồ vật, khó cử động cổ tay, sấp ngửa cẳng tay, gập duỗi cẳng tay yếu dần; bắt tay nhau lỏng lẻo... các triệu chứng này do liệt vận động một phần hai tay). Dáng đi kiểu co giật do liệt vận động hai chân (bệnh nhân yếu dần hai chân, đi lại khó khăn hơn trên đường bằng phẳng; khi bệnh diễn biến nặng bệnh nhân không thể lên xuống thang một mình, không đi xa được). Cuối cùng là rối loạn tiêu tiểu (nặng nhất là bí tiểu).
Bác sĩ chuyên khoa cột sống có thể chẩn đoán bệnh lý tuỷ sống cổ mạn tính khi phối hợp khám lâm sàng thấy rõ các triệu chứng trên, phát hiện các hội chứng tháp tứ chi (các dấu Hoffmann, Babinski, tăng phản xạ gối, gót, khám phá bọng đái thần kinh…) và hình ảnh học y khoa của các nguyên nhân bệnh lý nêu trên.
Cẩn thận với chỉ định đốt lade, sóng cao tần
Khi phát hiện bệnh lý tuỷ sống cổ mạn tính, không phải lúc nào bệnh nhân cũng phải bị phẫu thuật. Cực kỳ cẩn thận trong chỉ định đốt lade, đốt sóng cao tần khiến tiền mất, tật mang. Nếu bệnh nhân có tê nhẹ, các triệu chứng liệt vận động chưa xuất hiện, tuỷ sống trong giai đoạn sớm bị kích thích thì phải cẩn thận trong chỉ định mổ. Bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn: tránh tư thế sai, tránh kéo tạ cổ, tránh tập mạnh cổ sai, tránh cúi – xoay cố hay ngửa – xoay cổ, tránh ngửa cổ quá mức.
Một số thuốc hỗ trợ có thể được sử dụng. Nẹp cổ ít khi có chỉ định. Tập mạnh cơ vùng cổ nhẹ nhàng với sự giám sát của chuyên viên phục hồi chức năng. Bệnh nhân có thể được theo dõi hàng chục năm mà không trở nặng thêm. Nếu có các triệu chứng liệt vận động, nhất là khi thấy có chèn ép trung tâm, cần cân nhắc chỉ định mổ.
Những bệnh nhân phát hiện bệnh lý tuỷ sống cổ mạn tính kèm theo các bệnh lý nặng khác của tuổi già cũng cần được cân nhắc trước khi quyết định phẫu thuật.
Điều trị phẫu thuật
Thoát vị đĩa đệm thường thấy trong hạng tuổi 40 – 50, thoái hoá đĩa đệm thường thấy trong hạng tuổi 50 – 60. Cốt hoá dây chằng dọc sau hay dây chằng vàng ít thấy; thường sau 50 tuổi.
Dùng lối vào trước cột sống cổ:nếu ống sống rộng, sự chèn ép chỉ xảy ra ở một hay hai tầng bệnh thì phẫu thuật viên thường chọn phương pháp cắt đĩa sống và hàn liên thân đốt bằng xương ghép, bằng nêm nhựa tổng hợp có hay không kèm theo nẹp kim loại cố định vững cột sống cổ. Nẹp kim loại có chỉ định rõ khi cần phẫu thuật hàn xương sống cổ qua nhiều tầng bệnh để tránh khớp giả, tái phát. Phương pháp này hữu hiệu và cho kết quả tốt với chi phí phẫu thuật thấp hơn nhiều so với quan niệm thay đĩa sống giả vùng cổ, mắc tiền hơn năm sáu lần. Phương pháp thay đĩa sống giả này đang ở trong giai đoạn nghiên cứu trên thế giới, đã phát hiện biến chứng cứng đĩa sống thay vì di động như mục đích ban đầu; trật đĩa sống giả; cựa xương mọc quanh đĩa sống giả làm kết quả lâu dài xấu, thất bại.
Dùng lối vào sau cột sống cổ: khi sự chèn ép xảy ra nhiều tầng (ba, bốn tầng) dù ống sống rộng thì chỉ định phẫu thuật lối sau làm rộng ống sống là nhẹ nhàng cho bệnh nhân. Khi ống sống hẹp, chỉ định phẫu thuật mở rộng ống sống lối sau có thể áp dụng cho hai hay ba tầng chèn ép trở đi. Không nên áp dụng phẫu thuật cắt bảng sống ba bốn tầng phía sau để giải ép. Phẫu thuật này khiến còng cột sống cổ xảy ra do cột sống cổ mất vững, gây chèn ép tái phát. Phẫu thuật tạo hình bảng sống được áp dụng từ hơn mười lăm năm nay có kết quả tốt với phương pháp Nhật Bản Kurokawa hay Itoh. Khoảng 25% trường hợp kèm mỏi cổ, hay đau cổ sau mổ.
Phẫu thuật tạo hình bảng sống kiểu Việt Nam (phẫu thuật VVT) được áp dụng từ hơn chín năm nay với kết quả tương đương nhưng ít hay không có biến chứng đau cổ hay mỏi cổ như hai phẫu thuật trên do ít tàn phá mô mềm và xương hơn.
PGS.TS.BS Võ Văn Thành
Dự hậu phẫu thuật
Những yếu tố đánh giá dự hậu tốt khi có chỉ định phẫu thuật: dưới sáu mươi tuổi (càng trẻ càng có kết quả phục hồi tốt); khởi bệnh dưới một năm (phát hiện bệnh nặng càng sớm, mổ càng có kết quả tốt); chỉ số JOA 9-13 (chỉ số dưới 8 dự hậu phục hồi kém); bệnh nhân mắc bệnh do thoát vị đĩa đệm có dự hậu tốt hơn thoái hoá đĩa đệm.
Có dự hậu xấu hơn là bệnh nhân còng cột sống cổ kèm theo hay gia tăng sau phẫu thuật; bệnh nhân mắc thêm bệnh lý mạch máu như tiểu đường, tim mạch.

Leave a Reply