Bổ sung vitamin không phải lúc nào cũng tốt, nó cần phải có sự khoa học và tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Với một người bình thường, lượng vitamin cần thiết cho cơ thể thông qua nguồn thức ăn hằng ngày là đủ, không cần phải bổ sung thêm. Những trường hợp đặc biệt, cơ thể không hấp thụ đủ vitamin mới bổ sung theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
Bài liên quan:
8 vitamin cần thiết để duy trì “bản lĩnh đàn ông"
Uống vitamin B hằng ngày chống được bệnh Alzheimer
Vitamin C: Dùng sao cũng được?
Người già không nên bổ sung vitamin?
Khi bổ sung vitamin cho cơ thể, chúng ta không bỏ qua những nguyên tắc sau:
1. Lý do sử dụng rõ ràng
Một số người cho rằng, vitamin là thuốc bổ nên an toàn. Vì vậy, để tăng sức đề kháng, làm cho cơ thể khỏe hơn, da bóng mịn hơn, tóc mượt hơn... họ đã sử dụng vitamin tuỳ tiện và điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe. Nên nhớ, chỉ khi thầy thuốc chẩn đoán chính xác cơ thể thiếu loại vitamin nào thì mới bổ sung, tuyệt đối không được sử dụng tuỳ tiện.
2. Liều lượng
Thuốc dù tốt và bổ dưỡng đến mấy cũng phải dùng với liều lượng thích hợp. Nếu sử dụng vitamin D quá liều lượng và thời gian sẽ bị ngộ độc. Cơ thể thừa vitamin A có thể bị nhiễm độc với triệu chứng da bị tổn thương, viêm khớp, bong da toàn thân, có nguy cơ bị viêm gan. Phụ nữ có thai uống quá nhiều vitamin A có nguy cơ gây dị dạng thai nhi. Với vitamin E, nếu dùng quá liều sẽ gây tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
3. Tìm nguyên nhân bổ sung chính xác
Nhiều trường hợp thiếu vitamin là do một số bệnh gây ra. Do đó, phải được thầy thuốc khám xác định bệnh chính xác, sau đó mới bổ sung vitamin sao cho hiệu quả.
Thuốc dù tốt và bổ dưỡng đến mấy cũng phải dùng với liều lượng thích hợp. (Ảnh minh họa)
4. Thời gian bổ sung
Vitamin C, B1, B2... là các vitamin tan được trong nước, vì thế uống sau bữa ăn là thích hợp bởi các vitamin này sẽ nhanh chóng thấm qua dạ dày và thành ruột. Nếu uống khi đói, phần lớn vitamin sẽ bị cơ thể bài tiết ra ngoài khi các mô trong cơ thể hấp thụ chưa hết.
Ngoài ra, những vitamin tan trong mỡ như vitamin A, D, E... nên uống sau bữa ăn, vì khi đó, đường ruột và dạ dày tích trữ một lượng mỡ từ thức ăn nên có lợi cho sự hoà tan vitamin, làm cho cơ thể hấp thu dễ dàng.
5. Nắm được sự tương tác của vitamin với các loại thuốc khác
Vitamin có thể tương tác với một số thuốc, gây giảm hiệu lực của thuốc hoặc giảm hiệu lực của vitamin. Chẳng hạn, thuốc paraphin dạng lỏng có thể làm giảm sự hấp thu và tăng sự đào thải các vitamin tan trong mỡ; thuốc kháng sinh sẽ ức chế vi khuẩn đường ruột, làm giảm sự tổng hợp vitamin K trong cơ thể. Những loại thuốc có tác dụng làm chất xúc tác như phenol barbital và aspirin... có thể làm tăng sự bài tiết vitamin B 1, vitamin C và tiêu huỷ vitamin B12 . Vitamin C và B1 không thích hợp uống cùng thời điểm với thuốc tránh thai vì làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai. Nếu uống vitamin D cùng một lúc với thuốc kháng khuẩn tổng hợp có khả năng dẫn đến nước tiểu bị kết tủa, làm hại thận. Trong khi đó, nếu uống viên sắt cùng thời điểm với vitamin C sẽ làm tăng sự hấp thụ sắt của cơ thể.